(TAP) - Các nhà nghiên cứu từ Đại học St Andrews (Vương quốc Anh) vừa công bố một nghiên cứu quy mô lớn, tiết lộ mối liên hệ đáng lo ngại giữa ô nhiễm không khí và tỷ lệ nhập viện vì các bệnh tâm thần. Đây là nghiên cứu được đánh giá toàn diện nhất trong lĩnh vực này tính đến thời điểm hiện tại.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu cá nhân từ Nghiên cứu Theo chiều Dọc của Scotland, đại diện cho 5% dân số đất nước và bao gồm thông tin nhân khẩu học từ các cuộc điều tra dân số liên quan. Tổng cộng, 202.237 người từ 17 tuổi trở lên được theo dõi từ năm 2002 đến năm 2017, với thông tin sức khỏe và tình trạng nhập viện liên kết với mức độ phơi nhiễm bốn chất ô nhiễm chính. Bao gồm: nitơ dioxide (NO2), sulfur dioxide (SO2), bụi mịn PM10 (đường kính ≤ 10 μm) và bụi siêu mịn PM2.5 (đường kính ≤ 2.5 μm).
Thông tin từ Đại học St Andrews
Dữ liệu cho thấy mức độ ô nhiễm cao hơn vào giai đoạn 2002-2004, với mức trung bình hàng năm của NO2, SO2, PM10, PM2.5 lần lượt 12, 2, hơn 11 và hơn 7 μg/m³. Mặc dù mức trung bình này thấp hơn các hướng dẫn của WHO năm 2005, nhưng lại vượt ngưỡng mới nhất năm 2021, đặc biệt là NO2 và PM2.5.
Kết quả phân tích minh chứng mức độ tiếp xúc tích lũy với ô nhiễm không khí có liên quan mật thiết đến tỷ lệ nhập viện cao hơn, đặc biệt với các bệnh tâm thần, rối loạn hành vi, và các bệnh lý tim mạch, hô hấp, truyền nhiễm. Tiếp xúc tích lũy cao với NO2, PM10 và PM2.5 làm tăng nguy cơ nhập viện do các nguyên nhân này. Cụ thể, mỗi 1 μg/m³ tăng thêm trong mức PM2.5 và NO2 dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh hô hấp tăng lần lượt hơn 4% và 1%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng SO2 có liên quan chủ yếu đến bệnh hô hấp, trong khi NO2 đóng vai trò lớn hơn trong việc gia tăng số ca nhập viện vì các rối loạn hành vi và bệnh tâm thần. Tiến sĩ Mary Abed Al Ahad, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Những phát hiện này nhấn mạnh sự cấp thiết của việc kiểm soát ô nhiễm không khí. Các chính sách như khu vực không phát thải, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và giảm khí thải từ giao thông và công nghiệp không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn giảm sức ép lên hệ thống y tế."
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng củng cố các phát hiện trước đây về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và các rối loạn tâm thần. Những người sống trong môi trường ô nhiễm cao từ nhỏ có nguy cơ mắc các bệnh tâm thần nghiêm trọng như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách cao hơn. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ và Đan Mạch trước đây cũng phát hiện ô nhiễm không khí là yếu tố quan trọng dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.
Kết quả nghiên cứu của Đại học St Andrews thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng không khí. Các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không chỉ bảo vệ sức khỏe thể chất mà còn góp phần đáng kể vào việc nâng cao sức khỏe tâm thần của cộng đồng.
Trang Thanh
Bình luận