Những vấn đề xoay quanh việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm Ukraine
Tin Quốc Tế

Những vấn đề xoay quanh việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm Ukraine

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn thông qua chuyến thăm Ukraine để củng cố vị thế hoà giải quốc tế của đất nước này, mà bỏ qua những lo ngại có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ với Nga.

Báo Thế giới và Việt Nam đưa tin, vào ngày 18/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tới thành phố Lviv (miền tây Ukraine) để tiến hành một cuộc gặp ba bên cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Cụ thể, ba bên thảo luận việc tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Nhiều đánh giá cho rằng, thông qua chuyến thăm này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn củng cố vị thế của Ankara. Tuy nhiên cũng có lo ngại, việc ông Recep Tayyip Erdogan xuất hiện có thể đi ngược lại với những nỗ lực trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình cải thiện quan hệ cùng Moskva.

Những vấn đề xoay quanh việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm Ukraine

Từ trái qua: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vào ngày 18/8. (Nguồn: AP)

Chuyên gia Mikhail Botsyurkiv đánh giá: Ông Erdogan tự coi mình là một chính khách trong khu vực có thể nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới. Ông ấy ở một vị trí độc đáo cả về mặt địa lý, ngoại giao và chiến lược. Ông Erdogan đang đóng một vai trò mà tôi nghĩ ngay cả Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng không thể có được.

Trong khuôn khổ cuộc gặp, lãnh đạo hai nước Ukraine - Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một bản ghi nhớ về sự hỗ trợ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ trong việc khôi phục cơ sở hạ tầng ở Ukraine.

Đồng thời, Ukraine và Liên hợp quốc cũng thống nhất những vấn đề liên quan sứ mệnh của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đặc biệt, ông Zelensky kêu gọi Liên hợp quốc đảm bảo an ninh cho nhà máy chiến lược này.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đã đề xuất thành lập khu phi quân sự quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. Vào ngày 18/8, Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ đề xuất trên.

Ngoài ra, ông Vladimir Dzhabarov, Phó Ban quốc tế Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ hơi vội vàng khi ký thỏa thuận tái thiết Ukraine, vì chiến dịch quân sự của Nga vẫn tiếp tục và không rõ Thổ Nhĩ Kỳ định thực hiện thỏa thuận với ban lãnh đạo nào của Ukraine.

Lưu Tân (TH)

Bình luận