Nhiều quốc gia đẩy mạnh nhập khẩu khoai mì Thái Lan
Tin Quốc Tế

Nhiều quốc gia đẩy mạnh nhập khẩu khoai mì Thái Lan

Báo Tuổi trẻ (Việt Nam) ngày 21/6/2022 đưa tin, lo ngại trước vấn đề thiếu hụt lương thực những tháng đầu năm 2022, một số quốc gia đã lựa chọn phương án nhập khẩu khoai mì (sắn) từ Thái Lan - quốc gia xuất khẩu khoai mì lớn nhất thế giới.

Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Kriengkrai Thiennukul cho biết, hiện nay, các nước như Ai Cập, Ấn Độ, Kazakhstan, Serbia và Kosovo đã tuyên bố hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm đảm bảo nguồn cung dự trữ trong nước. Vì thế, vào quý 3 và quý 4 tới đây, nhiều quốc gia có thể phải đối mặt trước tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng. Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine cũng là nguyên nhân khiến giá nguyên liệu thô, phân bón tăng mạnh, gây áp lực với ngành kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chính sự khan hiếm này đã mang lại lợi ích cho ngành xuất khẩu lương thực nói chung và khoai mì Thái Lan nói riêng.

Nhiều quốc gia đẩy mạnh nhập khẩu khoai mì Thái Lan

Khoai mì trở thành lương thực thay thế tiềm năng cho gạo, ngũ cốc (Nguồn: Tuổi trẻ)

Đồng tình trước quan điểm này, Chuyên viên cao cấp thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Phithak Udomwichaiwat nhận định, nguy cơ khủng hoảng lương thực do tình hình xung đột chính trị Nga - Ukraine là nguyên nhân khiến thị trường xuất khẩu khoai mì tăng mạnh. Theo đó, khoai mì Thái Lan trở thành sản phẩm tiềm năng khi các đơn vị nhập khẩu muốn tìm nguồn thay thế hữu hiệu cho gạo và ngũ cốc. Nếu vào năm 2021, việc kết nối tiêu thụ khoa mì mang lại cho xứ sở Chùa Vàng 3,4 tỷ USD thì đến nay, con số trên đã tăng thêm 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 1 - 4/2022).

Đại diện Bộ Thương mại Thái Lan thông tin, chỉ 4 tháng đầu năm 2022, khoảng 4,6 triệu tấn khoai mì cùng nhiều sản phẩm chế biến khác (bột sắn, tinh bột sắn, viên khoai mì,…) trị giá 1,5 tỷ USD đã được bán cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia. Theo ông Phithak Udomwichaiwat, mặc dù không trực tiếp chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột quân sự, song một số nước khu vực châu Á vẫn tích cực trong việc tăng cường dự trữ lương thực, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, ứng phó trước rủi ro khủng hoảng nguồn cung.

Ngoài ra, Chuyên viên thuộc Bộ Thương mại Thái Lan còn tiết lộ, không riêng gì ngành lương thực - thực phẩm, việc một số ngành chế biến thức ăn chăn nuôi và công nghiệp năng lượng chuyển sang lựa chọn khoai mì làm nguồn nguyên liệu thay thế cũng góp phần nâng giá mặt hàng này.

Thái Sơn (TH)

Bình luận