Nhằm tiết kiệm chi phí trong quá trình phóng các tên lửa vào không gian, một công ty công nghệ Nhật Bản vừa phát triển kỹ thuật in 3D ăng-ten vệ tinh ngay trên quỹ đạo ngoài vũ trụ.
Ngày 23/05/2022, báo điện tử Vnexpress (Việt Nam) đưa tin, công ty sản xuất thiết bị điện và điện tử đa quốc gia Nhật Bản Mitsubishi Electric Corporation đã phát triển thành công và được cấp bằng sáng chế cho công nghệ in 3D ăng-ten vệ tinh ngoài không gian. Theo đó, phương pháp mới này hoạt động nhờ sự hỗ trợ từ ánh sáng mặt trời và khả năng chịu nhiệt cao của nhựa resin. Đây là loại nhựa nhạy sáng, có khả năng chịu nhiệt tốt (khoảng 400 độ C), cao hơn cả mức chịu nhiệt mà tàu vũ trụ gặp phải trên quỹ đạo xung quanh Trái đất.
Đặc biệt, nhựa resin còn có thể biến thành vật liệu rắn cứng khi tiếp xúc với bức xạ cực tím từ Mặt trời. Bởi trong môi trường chân không ngoài không gian sẽ không có oxy ngăn cản sự hóa rắn của nhựa resin, đồng thời ánh sáng cực tím Mặt trời tự nhiên cũng giúp làm giảm mức tiêu thụ điện cho máy in 3D mới. Như vậy, phát minh mới lần này của Mitsubishi Electric Corporation được xem là giải pháp hiệu quả giúp giảm bớt một số bộ phận vệ tinh cồng kềnh bên trong tên lửa, góp phần tiết kiệm chi phí của quá trình phóng tên lửa vào vũ trụ.
Tuy nhiên, vì chỉ mới kiểm chứng công nghệ ở điều kiện mô phỏng không gian trong buồng thử nghiệm nên việc hoàn thành thiết kế ăng-ten cho tàu vũ trụ cũng như đưa công nghệ in 3D vào hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Những vấn đề gồm: khả năng truyền tín hiệu, băng thông rộng, trọng lượng nhẹ và cấu trúc đồ sộ không đủ chỗ chứa trong không gian tên lửa trở thành thách thức lớn cho sự phát triển công nghệ in 3D ăng-ten vệ tinh.
Gia Luân (TH)
Bình luận