(TAP) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vừa tổ chức phiên họp cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Một trong những điểm nhấn là đề xuất quy định người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm trước khi quảng cáo, đăng tải ý kiến, cảm nhận lên mạng xã hội.
Nhiều năm trở lại đây, tại Việt Nam có không ít người nổi tiếng, nghệ sĩ vì lợi ích cá nhân mà bất chấp quảng cáo sai sự thật. Họ lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để pr sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng. Thậm chí họ còn dám thổi phồng cả công dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung như một loại thuốc điều trị bách bệnh. Trong khi những người tiếng này chưa từng sử dụng qua và cũng không có bất kỳ giấy chứng nhận nào từ Bộ Y tế. Điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như quyền lợi, lòng tin của người tiêu dùng.
Hình ảnh những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật mà báo chí Việt Nam đã lên án.
Tuy nhiên, Luật Quảng cáo năm 2012 chỉ tập trung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Thực tế, đã có hàng loạt trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng đích thân xin lỗi vì bị khán giả tẩy chay về vấn đề này. Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở sai phạm đạo đức, vẫn chưa có chế tài xử lí vi phạm pháp luật cụ thể đối với những đối tượng quảng cáo không đúng sự thật như trên.
Nhận thấy tình hình bất cập đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đề xuất bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của những cá nhân tham gia quảng cáo trong Dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo. Cụ thể, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng khi thực hiện quảng cáo phải công khai minh bạch thông tin sản phẩm, dịch vụ và sẵn sàng cung cấp tài liệu liên quan theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo tại phiên họp ngày 24/9. Nguồn: Cổng thông tin điện tử quốc hội Việt Nam
Ngoài ra, họ cần thông báo trước cho người tiêu dùng về việc đang thực hiện hoạt động quảng cáo trong quá trình chuyển tải sản phẩm. Bên cạnh đó, những người này bắt buộc sử dụng trực tiếp mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trước khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về công dụng sản phẩm lên mạng xã hội.
Dự kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình lên Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Ho Phan
Bình luận