(TAP) - Việt Nam không chỉ chinh phục du khách thế giới với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mà còn sở hữu nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc, nơi những bàn tay khéo léo của người dân tạo ra các sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Trong đó, làng Kim Sơn là ngôi làng có nghề truyền thống làm cói với tuổi đời hơn 200 năm, một trong những địa điểm tham quan nổi bật khi đặt chân đến tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình (Việt Nam), lịch sử ra đời của vùng đất này bắt nguồn từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển. Năm 1829, chính doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tổ chức khai hoang vùng ven biển theo lệnh vua Minh Mạng. Sau đó, vùng đất mở được đặt tên là Kim Sơn. Thiên nhiên ưu đãi nơi đây cho nhiều lợi thế thuận lợi để cây cối, lúa, cói phát triển. Trải qua hàng trăm năm, người dân Kim Sơn cùng nhau tạo nên những bãi bồi mênh mông trồng cói. Đây là nguyên liệu chính của nghề dệt. Cây cói có độ mềm mải, óng ả rất phù hợp để sử dụng tạo thành những sản phẩm đan, dệt thủ công tinh xảo. Vùng đất hoang ngày xưa trở thành một trong những làng nghề truyền thống nổi bật ở Ninh Bình. Qua bao thăng trầm lịch sử, nghề cói ngày càng khẳng định rõ vị thế của mình.
Nghề làm cói Kim Sơn. Ảnh: Trung tâm thông tin đối ngoại tỉnh Ninh Bình
Hiện nay, vùng đất Kim Sơn có khoảng 4000ha trồng cói. Trồng cói và sản phẩm dệt từ loại cây này trở thành cái nghề gắn liền với đời sống của người dân Kim Sơn. Mặc dù không có nguồn gốc cổ xưa như nghề thủ công lâu đời khác nhưng nghề làm cói mỹ nghệ đã đồng hành cùng nhiều thế hệ người dân vùng đất mở.
Nổi bật nhất trong số sản phẩm được hoàn thành dưới đôi bàn tay của người thợ lành nghề nơi đây phải kể đến chiếu cói. Để làm nên một tấm chiếu cói đòi hỏi cả quá trình lao động sáng tạo vất vả. Người thợ phải cẩn thận chăm chút từng công đoạn. Từ trồng cói chờ đến khi thu hoạch sau đó lựa chọn những cây cói chất lượng, chẻ, phơi, nhuộm và cuối cùng là đan, dệt, hoàn thiện sản phẩm. Khi dệt, người thợ cần thao tác nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay phải chính xác để khi đan không mắc lỗi. Ngoài ra, người nghệ nhân phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm từ ý tưởng đến thiết kế mẫu mã để phù hợp thị hiếu khách hàng. Điển hình như kỹ thuật sử dụng keo polyascera phủ lên bề mặt sản phẩm được thợ thủ công áp dụng. Việc này giúp sản phẩm cói nâng cao khả năng chống ẩm mốc và ổn định kiểu dáng.
Sản phẩm cói Kim Sơn. Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn
Không chỉ có chiếu cói, những người thợ Làng nghề cói Kim Sơn còn tạo ra những sản phẩm độc, lạ như mũ, dép, túi sách, hộp, cốc. Với nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện môi trường, bền đẹp, đa dạng kiểu dáng, giá thành rẻ, sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn được ưu ái tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để vinh danh và bảo tồn giá trị mà làng nghề làm cói Kim Sơn mang lại, ngày 25/04/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Theo Quyết định số 1150/QĐ-BVHTTDL ghi danh Nghề Thủ công truyền thống làm cói Kim Sơn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngo Minh
Bình luận