Mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đăng tải báo cáo cập nhật về diễn biến an ninh lương thực. Các số liệu cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang trở nên tệ hơn do ngày càng nhiều chính sách hạn chế về thương mại thực phẩm.
Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (ngày 5/2) về tình hình an ninh lương thực, lạm phát hiện đang ở mức cao hơn 5%. Nó xảy ra ở 63,2% các quốc gia có thu nhập thấp (không thay đổi kể từ lần cập nhật gần nhất vào ngày 18/1/2024); 73,9% ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (không thay đổi); 48% ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Trên thực tế, lạm phát giá thực phẩm đã vượt quá ngưỡng 71% trong số 165 quốc gia có dữ liệu.
Kể từ lần cập nhật trước, chỉ số giá nông sản, xuất khẩu và ngũ cốc lần lượt đóng cửa cao hơn 3%, 7% và 1%. Giá ca cao và cà phê (Arabica) mỗi loại tăng 8% khiến chỉ số xuất khẩu tăng. Trong số các loại ngũ cốc, giá ngô và lúa mì đóng cửa (mức giá cuối cùng của phiên giao dịch trong ngày) lần lượt cao hơn 1% và 4%, trong khi giá gạo đóng cửa ở mức tương tự như hai tuần trước. So với cùng kỳ năm 2023, giá ngô thấp hơn 33%, giá lúa mì thấp hơn 20%, trong khi giá gạo cao hơn 32%.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu năm 2024 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, vào năm 2023, giá lương thực - thành phần quan trọng trong chỉ số giá nông nghiệp, giảm 9% do nguồn cung các loại cây trồng chính dồi dào, ngoại trừ gạo (tăng 27%). Dự kiến giá lương thực năm 2024 - 2025 sẽ tiếp tục giảm sâu. Tuy nhiên, tổ chức tài chính quốc tế cũng cảnh báo nhiều rủi ro tiềm ẩn khác có thể ảnh hưởng đến giá thực phẩm. Điển hình như chi phí năng lượng tăng, hiện tượng thời tiết bất lợi, hạn chế thương mại và bất ổn địa chính trị.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang trở nên tệ hơn (Nguồn: World Bank)
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, trong bối cảnh lạm phát giá thực phẩm tiêu dùng cao, toàn cầu cần có chính sách phù hợp nhằm giải quyết tình trạng này. Bên cạnh những khó khăn đã nêu, các nhà hoạch định chiến lược còn phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nợ và biến đổi khí hậu cũng như tìm kiếm phương hướng hỗ trợ người dân đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Theo đó, việc tăng cường thương mại quốc tế là giải pháp rất quan trọng.
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (nternational Food Policy Research Institute, viết tắt: IFPRI), các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi nhắm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ khiến khối lượng thương mại ở Kênh đào Suez giảm 40%. Điều này cũng là tác nhân làm suy giảm an ninh lương thực. Sự gián đoạn vận chuyển dọc theo tuyến thương mại quan trọng ngày càng thường xuyên hơn, dấy lên lo ngại về việc vận chuyển các mặt hàng quan trọng, đặc biệt là ngũ cốc, từ Châu Âu, Nga và Ukraine.
Chatham House (Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia độc lập có trụ sở tại London) chỉ ra rằng, khoảng 14% ngũ cốc và 4,5% đậu nành giao dịch trên toàn cầu đang đi qua Kênh đào Suez. Như vậy, sự gián đoạn ở Biển Đỏ có thể ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu lúa mì chủ chốt như Liên minh châu Âu, Nga và Ukraine. Nếu vận chuyển qua các tuyến đường thay thế, chẳng hạn như quanh Cape Horn (mũi đất ở Chile) được xem là biện pháp thay thế nhưng không hoàn toàn khả dĩ. Việc lựa chọn tuyến đường thương mại khác làm tăng đáng kể khoảng cách và thời gian vận chuyển, đồng thời gia tăng chi phí nhiên liệu và vận hành phương tiện. Các quốc gia thuộc khu vực Đông Phi, Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á có nguy cơ bị tổn thất trước cuộc khủng hoảng Biển Đỏ hiện nay.
Sau cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine, nhiều chính sách liên quan đến thương mại do các nước đặt ra cũng tăng mạnh. Tính đến cuối tháng 1/2024, 15 quốc gia đã thực hiện 21 lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm và 11 quốc gia đã thực hiện 14 biện pháp hạn chế xuất khẩu. Có thể thấy, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu phần nào trở nên tồi tệ hơn do số lượng ngày càng nhiều hạn chế thương mại thực phẩm được các quốc gia đưa ra với mục tiêu tăng nguồn cung trong nước và giảm giá thành.
Khanh Ha
Bình luận