Nên hay không việc cấm bóng cười?
Tin Việt Nam

Nên hay không việc cấm bóng cười?

Việc hút bóng cười dường như trào lưu của giới trẻ, coi nó như một thú vui, nhiều người dùng để xả stress với quy mô ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, những năm gần đây những thông tin tiêu cực khi sử dụng bóng cười xảy ra không ít, nhiều quốc gia trên thế giới còn ra lệnh cấm. Vậy bóng cười là gì mà lại có sức ảnh hưởng lớn như thế?

Khí cười vô hại hay tai hại?

Bóng cười thực chất là khí N2O được bơm vào quả bóng, là chất khí không màu, không mùi. Khí N2O có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y tế. Tuy nhiên, hiện nay nó lại được mua để cung cấp vào các quán bar, club, karaoke,… nhằm bơm vào bóng tạo thành bóng cười cho những người có nhu cầu sử dụng.

Xuất hiện và nổi tiếng ở châu Âu vào năm 2010, đến năm 2013, bóng cười du nhập vào Việt Nam rồi nhanh chóng trở thành loại hình được rất nhiều thanh niên nam nữ ưa thích sử dụng, coi nó như một thú vui, xả stress với quy mô lớn trên cả nước. Và chỉ cần tra cứu thông tin trên internet hay mạng xã hội sẽ hiển thị khá nhiều địa điểm, cá nhân bán loại khí này.

Có giả thuyết cho rằng, khí N2O hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng N2O sẽ gây ra các triệu chứng như: rối loạn cảm giác, rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12, mà hậu quả xấu nhất là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng.

Nên hay không việc cấm bóng cười?

Facebook Đức Minh (tên đầy đủ là Nguyễn Đức Minh) là một trong những đại lý phân phối bóng cười có tiếng ở TP. HCM

Nhiều nước cấm sử dụng, Việt Nam vẫn tràn lan

Trước nhiều tác hại khi hít trực tiếp khí như gây nguy cơ cao bị bỏng lạnh nặng và tổn thương phổi, thậm chí ảnh hưởng đến não và tủy sống. Tháng 7/2015, chính phủ Anh đã xem xét việc cấm bán bóng cười (chứa khí N2O) và chính thức cấm ngay sau đó. Kể từ năm 2017, một số nước châu Âu bắt đầu đặc biệt quan ngại về việc sử dụng phổ biến khí cười. Đến tháng 12/2019, Bộ Y tế Hà Lan cũng lên kế hoạch đưa “khí cười” vào danh sách thuốc phiện loại B, cùng với cần sa và lá khát.

Theo Báo TTXVN đăng ngày 22/11/2022, tại Đan Mạch, số trường hợp bị ngộ độc khí cười đã tăng từ 16 trường hợp (năm 2015) lên 73 trường hợp trong năm 2021. Tại Pháp, tăng từ 10 trường hợp (năm 2017) lên 134 vào năm 2020, trong khi Hà Lan ghi nhận 144 trường hợp vào năm 2020 và số vụ tai nạn ô tô tăng mạnh do lái xe trong tình trạng say khí cười. Trong khi đó, tại Anh, N2O là chất gây nghiện được sử dụng phổ biến thứ hai ở thanh niên từ 16-24 tuổi, sau ma túy.

Tại Mỹ, hoạt động bán hoặc phân phối khí N2O cho người không được kê đơn sẽ bị truy tố với mức phạt 1 năm tù và 100.000 USD. Còn Hàn Quốc xếp loại khí này vào nhóm các chất gây ảo giác. Hoạt động mua bán, tàng trữ hay lạm dụng N2O cho mục đích giải trí sẽ bị kết tội 3 năm tù và phạt tiền đến 50 triệu won (tương đương 50.000 USD).

Nên hay không việc cấm bóng cười?

Facebook Lee Vũ chuyên bán sỉ lẻ bóng cười

Nên hay không việc cấm bóng cười?

Bóng cười được quảng cáo, đăng bán tràn lan trên Facebook

Những năm gần đây tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đã liên tiếp xảy ra một số vụ việc tiêu cực liên quan đến việc sử dụng bóng cười như nhập viện cấp cứu, tụ tập sử dụng bóng cười và khi lực lượng công an vào kiểm tra thì các đối tượng trên đa số đều dương tính với ma tuý…

Trong khi nhiều nước ra lệnh cấm và trước những tác hại tiêu cực nhưng tình hình kinh doanh, buôn bán bóng cười tại Việt Nam vẫn tiếp dục diễn ra, giới trẻ vẫn sử dụng tràn lan. Vậy đâu là biện pháp để ngăn chặn tình trạng này?

Vũ Phong

 

Bài 2: Cần đưa khí N2O vào danh mục chất cấm

Bình luận