Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, chung tay hành động chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang hoành hành trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng chiến dịch Tuần lễ nhận thức về kháng kháng sinh (AMR: Antimicrobial resistance), diễn ra từ ngày 18 – 24/11/2023.
Theo thông tin được đăng tải trên website chính thức của WHO, Tuần lễ nhận thức về AMR với chủ đề “Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh ”, chiến dịch năm nay kêu gọi các nhà lãnh đạo và cộng đồng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, những người đang nỗ lực chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh, bảo vệ sức khỏe của con người, động vật, thực vật và môi trường.
Ảnh minh họa
Cụ thể, AMR xảy ra khi các vi khuẩn hay mầm bệnh “quen” với những hoạt chất trong thuốc kháng sinh. Từ đó, thuốc kháng sinh mất đi công dụng tiêu diệt hoặc ngăn chặn chúng phát triển. Điều này dẫn đến việc điều trị bệnh do nhiễm vi khuẩn trở nên vô cùng khó khăn hoặc thậm chí không thể điều trị, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, khiến bệnh nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí tử vong. Cùng với đó, việc nghiên cứu và phát triển kém các loại thuốc kháng sinh mới hiện nay, khiến WHO phải nhấn mạnh AMR là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hàng đầu thế giới mà nhân loại phải đối mặt.
Nguyên nhân chính dẫn đến AMR đe dọa con người, động vật, thực vật và môi trường, đến từ việc sử dụng sai cách hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh.
Để cải thiện việc sử dụng thuốc kháng sinh ở người trên toàn cầu, bên cạnh việc khởi xướng chiến dịch Tuần lễ nhận thức về AMR, WHO còn phát triển cuốn sách mang tên “The WHO AWaRe (Access, Watch, Reverse) antibiotic book”. Cuốn sách cung cấp hướng dẫn ngắn gọn, dựa trên bằng chứng thực tế về việc lựa chọn kháng sinh, liều lượng, cách dùng và thời gian điều trị cho hơn 30 bệnh nhiễm trùng lâm sàng phổ biến nhất ở trẻ em và người lớn ở các nước trên thế giới.
Sharon Nguyen
Bình luận