(TAP) - Năm 2024 ghi nhận mức nhiệt cao nhất lịch sử và đánh dấu cột mốc lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu vượt ngưỡng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngưỡng giới hạn mà từ lâu được các nhà khoa học cảnh báo cần giữ vững để tránh thảm họa khí hậu.
Theo báo cáo công bố ngày 9/12 của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S), dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 11/2024 cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,72°C so với mức trung bình giai đoạn 1991–2020, cao hơn 0,14°C so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tháng 11/2024 được ghi nhận là tháng 11 nóng thứ hai trong lịch sử, với nhiệt độ không khí bề mặt trung bình đạt 14,10°C, chỉ đứng sau tháng 11/2023. C3S cũng đưa ra các bản đồ nhiệt độ toàn cầu, thể hiện rõ sự gia tăng bất thường tại nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Á.
Thông tin từ C3S
Các nhà khoa học cảnh báo rằng năm 2025 có thể bắt đầu với mức nhiệt độ gần đạt kỷ lục, tiếp tục củng cố xu hướng ấm lên khó đảo ngược. Đáng lo ngại, lượng khí nhà kính từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt không ngừng tăng, bất chấp những cam kết toàn cầu về giảm phát thải. Hoạt động này thải ra khối lượng khổng lồ khí CO₂, làm trầm trọng thêm hiện tượng nóng lên toàn cầu. Phần lớn nhiệt lượng dư thừa bị đại dương và khí quyển hấp thụ, gây rối loạn nghiêm trọng trong chu trình nước. Hệ quả là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán và bão lũ ngày càng xuất hiện với tần suất và mức độ dữ dội hơn, đẩy nhiều khu vực vào tình trạng nguy cấp.
Hơn nữa, báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố tháng 10/2024 cũng cảnh báo với tốc độ hiện tại, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 3,1°C vào cuối thế kỷ 21, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái, nền kinh tế và hàng tỷ người trên thế giới. Điều này đặt ra thách thức trong bối cảnh các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu chưa triển khai mạnh mẽ. Tại hội nghị COP29 diễn ra vào tháng 11/2024 ở Azerbaijan, nhữn quốc gia phát thải lớn cam kết huy động ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035 nhằm hỗ trợ nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo tính toán, các nước đang phát triển cần khoảng 1.300 tỷ USD mỗi năm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, tăng cường khả năng thích ứng các tác động biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Nguồn: C3S
Năm 2024 là một lời cảnh tỉnh, nhấn mạnh sự cần thiết của hành động khẩn cấp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, mỗi cá nhân cũng cần chung tay hành động giảm thiểu tác động tiêu cực, góp phần bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Tương lai của hành tinh phụ thuộc vào những quyết định mà chúng ta đưa ra ngay hôm nay.
Trang Thanh
Bình luận