Việt Nam thuộc nền văn minh lúa nước, đời sống người dân đã gắn liền với nông nghiệp, họ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thấu hiểu được nỗi cơ cực của nhân dân, từ thời xa xưa các vị vua chúa đã thực hiện nhiều chính sách nhằm động viên mọi người tiếp tục hăng say sản xuất. Trong đó có Lễ Tịch Điền, ban đầu vốn chỉ là nghi lễ bình thường nhưng theo thời gian dần dần trở thành nét văn hóa độc đáo dân tộc.
Theo từ điển Trần Văn Chánh, Lễ Tịch Điền có nghĩa: “ruộng do vua đích thân xéo xuống cày”, hoạt động ý nghĩa này xuất hiện ở nước ta vào khoảng thế kỷ thứ X (lúc này Việt Nam có quốc hiệu là Đại Cồ Việt). Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại, vào năm 987 vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) là người đầu tiên thực hiện Lễ Tịch Điền nhằm khuyến khích nhân dân chăm lo làm việc, phát triển nông nghiệp. Buổi lễ diễn ra ở chân núi Đọi, vua Lê Đại Hành cày lên một hũ vàng nhỏ. Năm tiếp theo cày ở núi Bàn Hải, vua lại đào được một hũ bạc nhỏ, từ đó đặt tên ruộng Kim Ngân.
Nghi lễ rước linh vị Vua Lê Đại Hành tại lễ hội Tịch Điền năm 2019
Về sau, các đời vua nước Việt vẫn duy trì tục lệ cũ, mỗi năm đều tổ chức Lễ Tịch Điền. Các quan phụ trách trong triều sẽ chọn ra ngày giờ hành lễ (những ngày tốt trong năm như: tháng Giêng, tháng 3, tháng 5,… âm lịch) và mảnh đất màu mỡ rồi đắp đàn chuẩn bị bàn tế lễ. Trước khi vua xuống cày ruộng, Ngài thực hiện lễ cúng với Thần Nông (vị thần cai quản nông nghiệp, được xem là Thủy tổ của người Việt xưa). Tuy nhiên, từ thời nhà Hồ Lễ Tịch Điền dần bị mai một, không còn tổ chức.
Đến triều Nguyễn, vua Gia Long và vua Minh Mạng chú trọng việc phát triển nông nghiệp đất nước, lấy tư tưởng “dĩ nông vi bản” (lấy nghề nông là gốc). Ngoài việc khai khẩn đất hoang, đắp đê, lấp biển, vua Minh Mạng còn cho khôi phục lại Lễ Tịch Điền. Vua chọn ngày mùng 5 – 7 tháng Giêng hàng năm là thời gian tổ chức và lấy Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam làm địa điểm diễn ra nghi lễ (nơi khi xưa vua Lê Đại Hành thực hiện Lễ Tịch Điền lần đầu tiên). Hiện tại, cứ vào mùng 5 – 7 tháng Giêng hàng năm, người dân khắp nơi lại tìm về núi Đọi (Hà Nam) cùng nhau cử hành nghi lễ Tịch Điền truyền thống độc đáo.
Tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng tại lễ Tịch Điền đầu tiên ở chân núi Đọi
Hơn một nghìn năm lịch sử, đến nay Lễ Tịch Điền vẫn được gìn giữ và lưu truyền. Lễ hội không chỉ là chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử mà còn là dịp để mọi người nhìn lại, tưởng nhớ những công lao của ông cha trong công cuộc xây dựng đất nước. Đồng thời, trở thành động lực cho mỗi người con đất Việt tiếp tục phấn đấu, phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.
Lam Chi
Bình luận