Là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là niềm tự hào của người dân cao nguyên mà còn trở thành điểm nhấn độc đáo trong văn hóa Việt Nam.
Bền bỉ phát triển theo dòng chảy văn hóa Việt, đến nay Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên vẫn được duy trì và phát huy những giá trị đặc sắc. Năm 2005, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Sau đó, vinh hạnh chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2018.
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại
Không gian văn hóa Cồng Chiêng là di sản quý giá và đặc sắc của khoảng 17 dân tộc thiểu số sống trên vùng cao nguyên Trung bộ gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Theo GS.TS Khoa học Tô Ngọc Thanh, tín ngưỡng cư dân nơi đây chịu nhiều ảnh hưởng từ nền nông nghiệp truyền thống như: tục thờ cúng tổ tiên, shaman giáo và thờ cúng vật linh. Văn minh lúa nước đã tạo điều kiện cho họ phát triển nhiều nghề thủ công, các kiểu nhà ở và phong tục độc đáo. Trong đó, những chiếc cồng chiêng với người dân Tây Nguyên là cầu nối thông linh giữa con người và thế giới thần linh, thế giới siêu nhiên, giúp che chắn và bảo vệ gia đình cũng như thể hiện sự giàu có, quyền lực.
Một giả thuyết khác cho rằng, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn. Song nhiều nghiên cứu khoa học nhận định, Cồng chiêng Tây Nguyên mang đặc trưng cộng đồng người Việt rất cao. Vì vậy, tùy từng dân tộc cồng chiêng sẽ có kích thước (từ 25 – 120cm), số lượng dàn (từ 2 – 13 chiếc) và cách đánh (bằng dùi hoặc bằng tay) khác nhau.
Dàn cồng chiêng Tây Nguyên
Các hoạt động trong Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên thường diễn ra trong không khí tưng bừng, phấn khởi. Một số lễ hội như: lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, mừng lúa mới, lễ mừng nhà rông mới,… đến nay vẫn được duy trì và giới thiệu đến mọi người. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội Việt Nam ngày càng phát triển hiện đại đã khiến cho công tác giữ gìn và phát huy nét đẹp của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn.
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018
Đối mặt với nguy cơ mất đi không gian văn hóa thiêng liêng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và cộng đồng cùng nhau thực hiện nhiều hành động thiết thực, tổ chức Festival thu hút khách du lịch, hỗ trợ các nghệ nhân,… Nhằm khôi phục các giá trị truyền thống vốn có của Cồng chiêng Tây Nguyên, trả lại một không gian văn hóa đặc sắc cho dân tộc Việt.
Ngọc Lan
Bình luận