Nền Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã tiếp thu, học hỏi nhiều từ các nền văn hóa ẩm thực phương Tây, từng bước làm giàu cho nền ẩm thực dân tộc Việt. Sự kết hợp, học hỏi đó thể hiện qua nhiều phương diện, từ nguyên liệu chế biến, cách chế biến cho đến cách trình bày. Chúng ta đã chọn lọc được những nét đặc sắc của ẩm thực phương Tây mà vẫn giữ được những nét rất riêng của văn hóa ẩm thực Việt.
Về nguyên liệu chế biến
Hầu hết người Việt Nam thường dùng những nguyên liệu có sẵn và có kết hợp cùng một số nguyên liệu nhập từ phương Tây như: thịt bò, rau, củ, cá hồi... Tuy nhiên, hiện nay một số loại rau, củ như cà rốt, khoai tây đã được trồng ở nhiều nơi, nhất là tại các thành phố Đà Lạt, Sapa.
Nhiều món ăn Âu châu được du nhập vào Việt Nam được người Việt tiếp thu và sáng tạo thêm, kết hợp với những nguyên liệu thuần Việt, để tạo nên những món ăn độc đáo, mang phong cách của người Việt.
Biến tấu, sáng tạo thêm từ các món ăn đậm chất Âu
Bánh mì: Bánh mì là một trong những món ăn đường phố phổ biến và ngon nhất trên thế giới. Khác với ở phương Tây, bánh mì được dùng để ăn kèm với pho-mát, bơ thì bánh mì ở Việt Nam được biến tấu thành nhiều kiểu, dùng kết hợp với những nguyên liệu khác nhau. Kẹp với thịt, tôm rim hay dăm-bông, trứng, dưa chuột, hành tây,… tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi người.
Súp: Súp là một trong những món ăn nhẹ của phương Tây, thường dùng để khai vị hoặc ăn sau bữa tối. Món súp ở Việt Nam thường được dùng trong các bữa tiệc, và được nấu với những rau, củ làm nền như: củ cải, khoai tây, nấm, hành tây, cà rốt, bắp (ngô) non, khoai lang... Nước súp được hầm từ thịt và xương của heo, gà và các loại hải sản.
Nước sốt: Người phương Tây rất chú trọng đến nước sốt. Nước sốt được làm công phu và khá cầu kỳ. Người phương Tây căn cứ vào từng món ăn để đưa ra các loại sốt sao cho phù hợp. Mỗi món ăn có những cách chế biến các loại sốt khác nhau. Đặc biệt, người phương Tây không dùng nước hầm xương heo để tránh bị chua, khó bảo quản. Nước sốt do người phuơng Tây chế biến được chia làm hai loại: lạnh và nóng, tùy theo sở thích của mỗi người và phù hợp với từng khẩu vị.
Nước sốt ở Việt Nam được chế biến đơn giản. Một loại sốt có thể dùng chung cho nhiều món ăn. Nước sốt được chế biến từ nước hầm xương heo là chính, kèm theo khoai tây, cà chua và các loại nấm, gia vị.
Salad: Đây là một trong những món ăn khai vị của người phương Tây, có tác dụng kích thích vị giác và thường là các loại đồ chua, thịt hun khói, và các loại rau, trái cây và sốt tự chọn trộn chung. Ở Việt Nam, salad thường được trộn sẵn với nhiều nguyên liệu phong phú hơn, kèm với nước sốt.
Cách trình bày
Chất lượng của món ăn không chỉ nằm ở cách chế biến sao cho ngon, mà còn thể hiện ở cách trình bày các món ăn sao cho đẹp mắt. Có thể dễ dàng nhận thấy phong cách trang trí theo kiểu phương Tây tại các nhà hàng ở nước ta. Trong bữa ăn cũng có các món ăn khai vị,món chính và món tráng miệng kèm theo đồ uống và mọi thứ được khéo léo và tinh tế trang trí theo khẩu phần ăn để tiện lợi trong việc thưởng thức của mỗi người.
N.D
Bình luận