Hoa Kỳ: Tiếp tục đầu tư vào công nghệ bán dẫn
Tin Hoa Kỳ

Hoa Kỳ: Tiếp tục đầu tư vào công nghệ bán dẫn

Chính quyền Washington, D.C. công bố khoản đầu tư hơn 5 tỷ USD vào chương trình nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn.

Nguồn tin từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (U.S. Department of Commerce) ngày 9/2 cho biết, lãnh đạo các Bộ Thương mại, Quốc phòng, Năng lượng; Quỹ khoa học quốc gia (National Science Foundation); Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Công nghệ Bán dẫn Quốc gia (National Center for the Advancement of Semiconductor Technology, viết tắt: NATCAST) vừa tham gia cuộc họp bàn công bố khoản đầu tư hơn 5 tỷ USD vào chương trình CHIPS R&D (Research & Development). Khoản này bao gồm nguồn kinh phí đầu tư cho Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia (National Science and Technology Council, viết tắt: NSTC).

NSTC là trung tâm của chương trình nghiên cứu và phát triển về chip bán dẫn (CHIPS for America) trị giá lên đến 11 tỷ USD của Hoa Kỳ. NSTC tập hợp các tổ chức Chính phủ, ngành công nghiệp, lao động, khách hàng, nhà cung cấp, tổ chức giáo dục, doanh nhân và nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tốc độ “từ ý tưởng đến thị trường” (from idea to marketplace). Với sự tham gia của các tập đoàn công - tư (Chính phủ lẫn tư nhân), NSTC giảm bớt những rào cản tham gia và giải quyết nhu cầu về lao động, lựa chọn nhân công đa dạng, có tay nghề.

Về CHIPS for America, đây là một phần trong kế hoạch kinh tế của Tổng thống Biden nhằm kích thích đầu tư vào khu vực tư nhân, tạo việc làm thu nhập cao cho công dân. Ở lĩnh vực này, Hoa Kỳ có hai cơ quan chịu trách nhiệm chính bao gồm: Văn phòng Chương trình CHIPS (đảm nhận vai trò khuyến khích sản xuất) và Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển CHIPS (chịu trách nhiệm về các chương trình R&D). Cả hai đều thuộc Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (National Institute of Standards and Technology, viết tắt: NIST) của Bộ Thương mại.

Hoa Kỳ: Tiếp tục đầu tư vào công nghệ bán dẫn

Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (Nguồn: American Institute of Physics)

NIST thúc đẩy sự đổi mới và khả năng cạnh tranh công nghiệp quốc gia bằng cách thúc đẩy khoa học, tiêu chuẩn và công nghệ đo lường, tăng cường an ninh kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống. NIST đặc biệt quan trọng trong quản lý chương trình CHIPS for America nhờ mối quan hệ bền chặt với ngành công nghiệp.

Sau thông báo và thỏa thuận đầu tư, các nhà lãnh đạo từ khắp cộng đồng bán dẫn cũng tham gia hội nghị do Giám đốc Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng Arati Prabhakar; Giám đốc Quỹ Khoa học Quốc gia Sethuraman Panchanathan và Thứ trưởng Bộ Thương mại về Tiêu chuẩn và Công nghệ và Viện Quốc gia chủ trì. Hội nghị này tập trung vào cơ hội và nhu cầu tham gia vào ngành R&D, đồng thời tăng khả năng tiếp cận cho nhà tuyển dụng.

Lam Phuong

Bình luận