Từ ngày 12/2 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan - ông Parnpree Bahiddha-Nukara đã có chuyến đi đến Hoa Kỳ và tham gia nhiều cuộc thảo luận quan trọng với giới chức Washington, D.C.
Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (United States Department of State) đăng tải ngày 12/2 cho biết, sau khi đến Washington, D.C, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan đã có cuộc gặp cùng nhà lãnh đạo đồng cấp - Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Tại đây, Ngoại trưởng Antony Blinken nhắc lại cột mốc kỷ niệm 190 năm quan hệ ngoại giao hai nước (1833 - 2023) và tin rằng đôi bên cần tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác để cùng nhau đối mặt, giải quyết thách thức tồn đọng. Các nội dung được đại diện phía Hoa Kỳ nhắc đến bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh khu vực và cách thức hợp tác kinh tế sâu rộng.
Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của Thái Lan trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Nguồn: United States Department of State)
Phát biểu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara cho biết, chính quyền Bangkok đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi sang kinh tế xanh và kỹ thuật số. Ông Parnpree nhận định, điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng cường quan hệ đối tác kinh tế với Hoa Kỳ.
Về cách thức tăng cường an ninh lâu dài ở cấp độ khu vực, Thái Lan cũng hy vọng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía Washington, D.C thông qua nhiều phương tiện, tổ chức, diễn đàn. Bao gồm “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á” (Association of South East Asian Nations, viết tắt: ASEAN), phát triển tiểu vùng Mê Kông và “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Economic Framework, viết tắt: IPEF) do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Cũng liên quan đến chiến lược kinh tế IPEF, theo thông tin từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (United States Department of Commerce) đăng tải cùng ngày, tại buổi trò chuyện cùng nhà lãnh đạo Bangkok, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã nhấn mạnh những đóng góp và sự tham gia của Thái Lan trong IPEF.
Cả Hoa Kỳ và Thái Lan đều công nhận tầm quan trọng của tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế lâu dài (theo nội dung thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF) và thỏa thuận kinh tế sạch và công bằng. Đồng thời, đề xuất tận dụng tối ưu tiềm năng IPEF nhằm mang lại lợi ích cụ thể cho đôi bên và đối tác. IPEF là khung kinh tế do Hoa Kỳ triển khai từ tháng 5/2022 với sự tham gia của 14 quốc gia đối tác. Bao gồm Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, theo thông tin từ Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (United States Trade Representative).
Kelvin Huynh
Bình luận