(TAP) - Đó là nhận định từ Hamza Abdelrahman và Luiz Edgard Oliveira - những nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System) chi nhánh San Francisco trong một báo cáo xuất bản gần đây. Theo chuyên gia, các hộ gia đình gần như tiêu hết số tiền tiết kiệm của thời kỳ đại dịch trong khi chi tiêu người tiêu dùng vẫn ở mức cao.
Trong một báo cáo có tên “Khoản tiết kiệm trong đại dịch đã không còn: Điều gì tiếp theo cho người tiêu dùng Hoa Kỳ?” (Pandemic Savings Are Gone: What’s Next for U.S. Consumers?) xuất bản ngày 3/5 vừa qua, tính đến tháng 3/2024, chuyên gia ghi nhận tổng số tiền tiết kiệm của các gia đình từ năm 2020 đã cạn kiệt hoàn toàn.
Kể từ nền kinh tế bắt đầu cuộc suy thoái do COVID-19, các hộ gia đình bắt đầu thói quen tiết kiệm, tích lũy tài chính trong suốt 18 tháng (3/2020 - 8/2021) - tức đến khi tình hình dần trở nên ở định. Số liệu báo cáo từ chuyên gia cho thấy mức tích lũy tổng hợp đã đạt đến 2,1 nghìn tỷ USD nhưng nhanh chóng cạn kiệt, thậm chí xuống mức âm vào tháng 3/2024.
Tuy nhiên, khi kết thúc giãn cách xã hội và mở cửa kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng khiến các hộ gia đình có xu hướng rút số tiền tiết kiệm thừa của mình với tốc độ trung bình 70 tỷ USD/tháng để phục vụ chi tiêu. Đến mùa thu năm 2023, con số này thậm chí tăng lên 85 tỷ USD/tháng.
Chuyên gia cho biết khoản tiết kiệm của các hộ gia đình đã xuống mức âm trong khi chi tiêu vẫn ở mức cao (Nguồn: Federal Reserve Bank of San Francisco)
Mặc dù biết chi tiêu là động lực chính cho quá trình tăng trưởng kinh tế và nó thực tế đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm qua, nhưng tình trạng lãi suất cũng như lạm phát có nguy cơ tăng cao khiến chuyên gia lắng cho tương lai của các hộ gia đình ở Hoa Kỳ.
Để phục vụ thói quen mua sắm trong bối cảnh giá các mặt hàng không ngừng leo thang, công dân có thể phải dùng đến những khoản khác như một nguồn tài trợ bổ sung cho chi tiêu gia đình. Bao gồm cả tài sản phi tài chính (bất động sản, phương tiện,…) hoặc đáng kể hơn là vay nợ (khoản vay cá nhân, thẻ tín dụng) bất chấp lãi suất tăng đồng nghĩa chi phí sử dụng tín dụng cao hơn so với trước cuộc suy thoái.
Tất nhiên không phải lúc nào người tiêu dùng cũng tìm đến các khoản vay. Để có thêm tiền cho việc chi tiêu, người lao động sẽ làm thêm việc hoặc yêu cầu tăng lương. Bằng chứng là những báo cáo gần đây của các cơ quan Chính phủ lẫn tổ chức tư nhân đều cho thấy: Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục; mức độ việc làm ở mức cao nhất mọi thời đại; tiền lương tăng vượt mức trung bình; số việc làm hàng tháng vượt 200.000 trường hợp.
Trong một giai đoạn đầy biến động như hiện nay, nhà kinh tế Hamza Abdelrahman và Luiz Edgard Oliveira đều thừa nhận chưa thể đưa ra dự báo chính xác về “phương hướng tiêu dùng” (path of consumer) của người tiêu dùng ở Hoa Kỳ. Thế nhưng, sự cạn kiệt của những khoản tiết kiệm là dữ kiện thực tế và nó thậm chí đang trở nên nghiêm trọng hơn khi các hộ gia đình đang cho thấy xu hướng sẵn sàng làm tất cả để thõa mãn thói quen tiêu dùng. Điều này đặt ra câu hỏi, khi thị trường lao động trở nên bão hòa hoặc có những tác động bất lợi từ bên ngoài, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Kelvin Huynh
Bình luận