Đức dự kiến tăng cường chi tiêu quốc phòng trong năm 2024
Tin Quốc Tế

Đức dự kiến tăng cường chi tiêu quốc phòng trong năm 2024

Đức vừa vượt mặt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Hoa kỳ và Trung Quốc. Do đó, tại Hội nghị An ninh Munich (Munich Security Conference, viết tắt: MSC) 2024 vừa qua, những phát biểu của đại diện nước này liên quan đến hoạt động đối ngoại, đặc biệt về vấn đề NATO và Ukraine nhận được nhiều sự quan tâm.

Nguồn tin từ Bộ quốc phòng Đức (Federal Ministry of Defence) đăng tải ngày 18/2 cho biết, MSC 2024 kéo dài từ ngày 16 - 18/2/2024, quy tụ hàng trăm lãnh đạo cấp cao đến từ nhiều quốc gia không chỉ châu Âu mà còn cả Hoa Kỳ. Chương trình năm nay được diễn ra tại khách sạn Bayerischer Hof (thành phố Munich, Đức), do chính quyền Berlin đảm nhận vai trò tổ chức.

Sự kiện năm nay diễn ra trong bối cảnh tương đối đặc biệt khi Đức vừa vượt mặt Nhật Bản trở thành cường quốc thứ ba thế giới về kinh tế. Chính vì thế, những vấn đề liên quan đến phương hướng phát triển của Berlin trong NATO cũng như có hay không việc tiếp tục viện trợ Ukraine trở thành đề tài nhận được nhiều sự chú ý.

Về mục tiêu đầu tư tối thiểu 2% GDP chi tiêu quốc phòng do NATO đề ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, tình hình mua sắm đạt nhiều tiến bộ đáng kể. Ước tính tổng cộng có 55 đề xuất trị giá 25 triệu euro đã được đệ trình lên Quốc hội nước này phê duyệt vào năm 2023. Trong năm nay, con số trên thậm chí nhiều khả năng có thể đạt mức ba chữ số. Đại diện cơ quan quốc phòng - an ninh Đức nhận định, việc chi tiêu diễn ra ngày càng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu đáp ứng nhu cầu bổ sung kho quân giới, đáp ứng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện tại.

Đức dự kiến tăng cường chi tiêu quốc phòng trong năm 2024

Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, Berlin là quốc gia lớn thứ hai ủng hộ Ukraine sau Hoa Kỳ (Nguồn: Federal Ministry of Defence)

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ Ukraine chống lại quân đội Moscow, Bộ trưởng Quốc phòng Đức khẳng định, Berlin là quốc gia ủng hộ Ukraine lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Chỉ riêng các khoản viện trợ quốc gia, nước này đã đóng góp nhiều hơn gấp đôi so với tất cả các đối tác khác ở châu Âu cộng lại. Trong đó, hệ thống phòng không Ukraine chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp Đức, danh sách này bao gồm xe tăng chiến đấu Leopard, hệ thống pháo binh và đạn dược.

Đánh giá về bất đồng giữa NATO và Nga suốt thời gian qua, Bộ Quốc phòng Đức trích dẫn nhận định của chuyên gia, cho rằng Moscow có khả năng tấn công lãnh thổ NATO trong khoảng 5 - 8 năm tới. Để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, ông Pistorius khẳng định, lý tưởng nhất là ngăn chặn nó thông qua sự răn đe ngay bây giờ. Mọi người luôn nói về khả năng phòng thủ nhưng họ (NATO) phải có khả năng chiến đấu và không có lựa chọn nào khác ngoài đối mặt với thách thức.

Kelvin Huynh

Bình luận