Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, Huế còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều phong cảnh đẹp như những bức tranh, trở thành địa điểm du lịch, thu hút nhiều du khách đến thăm. Trong đó, phá Tam Giang, làng nghề Mây tre đan Bao La,… tại huyện Quảng Điền được xem là điểm đến lý tưởng khi tham quan xứ Huế mộng mơ.
Phá Tam Giang – Nét đẹp của tự nhiên
Nằm phía Bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện Quảng Điền có hệ thống đầm phá Tam Giang mang trong mình nét đẹp hoang sơ, vắng lặng, yên bình của tự nhiên. Là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, có diện tích rộng khoảng 52km2, Tam Giang trở thành thiên đường du lịch với phong cảnh tự nhiên diễm lệ, đẹp tựa một tuyệt tác sơn thủy sống động.
Một phần tự nhiên của Đầm phá Tam Giang. Ảnh: Sưu tầm
Bên trong hệ thống phá Tam Giang còn có Đầm Chuồn, làng chài Thái Dương Hạ, Rừng ngập mặn Rú Chá,… đều là những điểm đến du lịch độc đáo. Khoảng từ tháng 4 – 7 hằng năm, khi Đầm Chuồn vào mùa đánh bắt thủy hải sản, không khí nơi đây sẽ trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhưng náo nhiệt và thu hút du khách nhất vẫn là lễ hội Tổ làng Chuồn (ngày 15 - 17/7 âm lịch) đặc sắc.
Làng chài Thái Dương Hạ tấp nập ghe thuyền. Ảnh: Sưu tầm
Đặt chân lên làng chài Thái Dương Hạ, khung cảnh khu chợ tấp nập người mua kẻ bán, những chiếc thuyền buôn đủ loại càng làm rõ nét sự sinh động và chân thật hơn đời sống của người dân miền biển. Tiếp tục ghé thăm đình làng Thái Dương Hạ, chùa Trấn Quốc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc uy nghi, cổ kính đã góp phần tô đậm thêm những giá trị văn hóa con người xứ Huế.
Rừng ngập mặn Rú Chá đa dạng sinh thái. Ảnh: Sưu tầm
Bên cạnh đó, rừng ngập mặn Rú Chá - khu rừng nguyên sinh với vẻ đẹp hoang sơ và hệ thống sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng đã góp phần vào thực đơn những món ăn độc đáo chỉ có ở khu đầm phá Tam Giang. Các món ăn từ cá dầy, cá dìa, cá hanh, cá mú, cá nâu, cá đối, cá vược, cá kình,... tuy dân dã nhưng lại mang đậm hương vị hương đặc trưng, gần gũi và chứa đựng nhiều tình cảm của người Huế hiền hòa, hiếu khách.
Vẻ đẹp làng nghề truyền thống Bao La
Đối lập với vẻ đẹp tự nhiên nguyên thủy của đầm phá Tam Giang, làng nghề Mây tre đan Bao la tại huyện Quảng Điền lại có nét đặc biệt riêng, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử gắn liền với vùng đất, con người của xứ Huế thân thương.
Khu nhà trưng bày các sản phẩm Mây tre đan Bao La. Ảnh: Sưu tầm
Hình thành và phát triển từ rất sớm, làng nghề Mây tre đan truyền thống Bao La ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã trải qua hơn 600 năm lịch sử. Năm 2007, nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống quê hương UBND tỉnh đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Bao La. Bằng việc tận dụng nguồn nguyên liệu tre, nứa dồi dào, HTX đã sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng mới, đa dạng mẫu mã, kích thước. Từ đồ dùng sinh hoạt như: rổ, rá, mâm, khay,… đến các loại đèn, sản phẩm mỹ nghệ trang trí nhà hàng, khách sạn, quán cà phê,… tất cả đều chất lượng, thể hiện nét độc đáo riêng biệt chỉ có ở làng Bao La.
Tiếp tục hành trình phát triển làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX bắt đầu trưng bày và quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh bán hàng, trang thương mại điện tử. Đặc biệt, để khai thác trọn vẹn những giá trị của Mây tre đan Bao la, những năm gần đây HTX thực hiện kế hoạch phát triển làng nghề kết hợp cùng du lịch. Dự án, hứa hẹn sẽ biến làng nghề Mây tre đan Bao La trở thành một địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Đa dạng sản phẩm làng nghề Mây tre đan Bao La. Ảnh: Sưu tầm
Ông Võ Văn Dinh (Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La) chia sẻ, với mong muốn tiếp tục phát triển làng nghề, đưa những người trẻ đến gần hơn với truyền thống, cội nguồn quê hương, HTX đang thực hiện cải tạo lại khuôn viên, nhà xưởng, xây dựng các cảnh quan xung quanh HTX khang trang, sạch đẹp, thuận lợi cho việc phát triển du lịch làng nghề địa phương. Trong đó, khu nhà trưng bày của HTX làng nghề với đa dạng hơn 500 mẫu mã mây tre đan khác nhau, du khách khi đến tham quan sẽ được trải nghiệm quá trình làm ra những sản phẩm độc đáo trên.
Mỗi điểm đến của huyện Quảng Điền đều có nét đẹp riêng nhưng lại chứa đựng bản sắc văn hóa chung của xứ Huế. Với từng thế mạnh khác nhau, Đầm phá Tam Giang và làng nghề Mây tre đan Bao La góp phần truyền tải nhiều giá trị lịch sử, nhân văn ý nghĩa của con người và vùng Cố đô đến khách du lịch gần xa.
Lan Chi
Bình luận