Vừa qua, Dior - hãng thời trang nổi tiếng nước Pháp tiếp tục vướng phải lùm xùm liên quan đến vấn đề chiếm dụng văn hóa Trung Quốc.
Báo Vnexpress (Việt Nam) ngày 26/7/2022 đưa tin, nhiều du học sinh Trung Quốc vừa biểu tình trước cửa hàng Dior vì cho rằng thương hiệu thời trang nổi tiếng Pháp đang chiếm dụng văn hóa đặc trưng nước này.
Cụ thể, vào ngày 25/7/2022, khoảng 100 học sinh Trung Quốc đang sống và làm việc tại Pháp đã yêu cầu thương hiệu Dior ngừng “đạo nhái” ý tưởng thiết kế từ đất nước tỷ dân bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Cuộc biểu tình diễn ra ở một cửa hàng thời trang của hãng (Paris). Khi tham gia, các học sinh mặc “váy mã diện” - trang phục phụ nữ thời Minh Thanh ở Trung Hoa
Trước đó, vào giữa tháng 7/2022, thương hiệu đình đám này từng gây nên làn sóng tranh luận gay gắt khi ra mắt sản phẩm có giá 29.000 nhân dân tệ (tức hơn 100 triệu đồng) mang nhiều nét tương đồng với “váy mã diện”. Tuy nhiên, trên website chính thức Dior, phần mô tả lại khẳng định, đây là thiết kế hoàn toàn mới, mang phom dáng độc quyền từ hãng.
“Váy mã diện” (bên trái) và sản phẩm thiết kế từ Dior (bên phải) (Nguồn: Vnexpress)
Ngay sau đó, Dior phải gỡ sản phẩm khỏi trang web ở Trung Quốc mà không đưa ra bất cứ xác nhận nào. Tuy nhiên, khách hàng vẫn có thể tìm thấy và đặt mua trên website Dior chi nhánh Hong Kong và Đài Loan. Bên cạnh những bình luận chỉ trích, thời điểm làn sóng dư luận được đẩy lên cao, không ít người dùng vẫn lên tiếng bênh vực và cho rằng trong thời trang, vấn đề trùng lặp ý tưởng thiết kế là điều bình thường.
Nữ sinh họ Lưu - thành viên thuộc nhóm biểu tình cho biết, bản thân cô không quá khắt khe vấn đề sáng tạo và hoàn toàn ủng hộ nếu nhà thiết kế sử dụng ý tưởng một cách công khai. Tuy nhiên, hành động chiếm dụng văn hóa là không thể chấp nhận. Cô Lưu nhấn mạnh, với sức ảnh hưởng của thương hiệu này, nếu Trung Quốc không sớm lên tiếng, nhiều người sẽ dễ ngộ nhận về nguồn gốc trang phục truyền thống Trung Quốc.
Du học sinh Trung Quốc biểu tình phản đối Dior ngày 25/7/2022 (Nguồn: Vnexpress)
Đây không phải lần đầu tiên thương hiệu nổi tiếng nước Pháp vướng phải những tố cáo liên quan vấn đề “đạo nhái” văn hóa Trung Quốc. Vào cuối năm 2021, hãng thời trang này đã từng vấp phải làn sóng chỉ trích dữ đội khi triển lãm bức tranh người mẫu mắt xếch, một mí, môi thâm đen, mặt lấm tấm tàn nhang, móng tay, kiểu tóc lấy cảm hướng từ thời nhà Thanh.
Nguyên nhân khiến dư luận đất nước tỷ dân cảm thấy bức xúc là vì cách nhìn phiến diện của phương Tây về ngoại hình người Trung Quốc. Sau đó, nữ nhiếp ảnh gia Trần Mạn (người thực hiện bức ảnh) đã phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận quan điểm nghệ thuật yêu kém.
Thái Sơn (TH)
Bình luận