(TAP) - Gần đây, Hoa Kỳ đã khép lại cuộc điều tra nhôm đùn nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, với kết luận không áp thuế. Trong một diễn biến khác, Washington, D.C đang xem xét gỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá và lệnh áp thuế chống trợ cấp đối với bao dệt nhiều lớp từ chính quyền Hà Nội.
Ủy ban Thương mại Quốc tế (International Trade Commission, viết tắt: ITC) thuộc Bộ Thương mại (Department of Commerce, viết tắt: DOC) Hoa Kỳ ngày 22/11 thông báo, DOS sẽ khép lại cuộc điều tra chống bán phá giá (Antidumping Duty, viết tắt: AD) đối với nhôm đùn (Aluminum Extrusions) nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Các thực thể liên quan đến vụ việc là Trung Quốc, Colombia, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Malaysia, Mexico, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Việt Nam.
Theo tài liệu trên Công báo Liên bang (Federal Register), ITC tiến hành điều tra AD nhôm đùn từ ngày 4/10/2023 sau khi nhận được kiến nghị từ các doanh nghiệp thuộc Liên minh nhà sản xuất nhôm đùn Hoa Kỳ (U.S. Aluminum Extruders Coalition).
Sản phẩm nhôm đùn nhập khẩu (Nguồn: International Trade Insights)
Nguyên đơn vụ kiện bao gồm: Alexandria Extrusion Company (thành phố Alexandria, bang Minnesota); APEL Extrusions Inc. (thành phố Coburg, bang Oregon); Bonnell Aluminum (thành phố Newnan, bang Georgia); Brazeway (thành phố Adrian, bang Michigan); Custom Aluminum Products (làng South Elgin, bang Illinois); Extrudex Aluminum (thị trấn North Jackson, bang Ohio); International Extrusions (Garden City, bang Michigan); Jordan Aluminum Company (thành phố Memphis, bang Tennessee); MD Building Products (Oklahoma City, bang Oklahoma); Merit Aluminum (thành phố Corona, bang California); MI Metals, thành phố Oldsmar, bang Florida); Pennex Aluminum (thành phố Wellsville, bang Pennsylvania); Tower Extrusions (thành phố Olney, bang Texas) và Western Extrusions (thành phố Carrollton, bang Texas).
Bên cạnh đó, đơn kiến nghị còn có Liên đoàn Công nhân Thép, Giấy và Lâm nghiệp, Cao su, Sản xuất, Năng lượng (United Steel, Paper and Forestry, Rubber, Manufacturing, Energy) và Công đoàn Công nhân Công nghiệp và Dịch vụ Đồng minh Quốc tế (Allied Industrial and Service Workers International) ở thành phố Pittsburgh (bang Pennsylvania).
DOS xác định mặt hàng nhôm đùn đang bị bán tại Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị hợp lý (less than fair value). Riêng hàng hóa cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ bị phát hiện nhận trợ cấp bởi Chính phủ các nước này, đứng trước nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp (Countervailing Duty, viết tắt: CVD). Theo đó, ITC đã tiến hành phiên điều trần cho các bên liên quan vào ngày 1/10.
Đến ngày 4/11, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương - Việt Nam) dẫn nguồn tin từ DOS cho biết, nhôm đùn nhập khẩu từ nước này được DOS xác định không gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành hàng nội địa phía Washington, D.C. Cùng với thông báo mới đây (22/11) của ITC, cuộc điều tra AD và CVD nhôm đùn dường như sẽ khép lại nếu không có thêm các yêu cầu khác từ nguyên đơn.
Trong một diễn biến khác, trước đó vào ngày 20/11, mặt hàng khác nhập khẩu từ Việt Nam là bao dệt nhiều lớp (Laminated Woven Sacks) chưa được ITC gỡ bỏ lệnh áp thuế AD và CVD do bị đánh giá có có khả năng dẫn đến tình trạng tiếp tục hoặc tái diễn biên độ bán phá giá lên đến 292,61%. Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại (Việt Nam), vụ DOS khởi xướng điều tra AD và CVD đối với bao dệt nhiều lớp Việt Nam diễn ra vào năm 2018, với quyết định áp thuế từ năm 2019. Trong đó, AD dao động từ 109,46% - 292,61% và CVD dao động từ 3,02% - 198,87%.
Bao dệt nhiều lớp nhập khẩu từ Việt Nam (Nguồn: Federal Register)
Kelvin Huynh
Bình luận