Điều gì khiến ông Trump kiên quyết mua Greenland từ Đan Mạch
Tin Hoa Kỳ

Điều gì khiến ông Trump kiên quyết mua Greenland từ Đan Mạch

(TAP) - Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 07/1 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục khẳng định ý định mua hòn đảo Greenland từ Đan Mạch. Điều gì khiến ông Trump kiên quyết theo đuổi thương vụ này và liệu kế hoạch ấy có khả năng trở thành hiện thực?

Điều gì khiến ông Trump kiên quyết mua Greenland từ Đan Mạch

Ông Trump phát biểu tại buổi họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào ngày 07/1 (Ảnh cắt từ clip)

Theo các nguồn tin quốc tế, trả lời phóng viên khi cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago diễn ra, ông Trump nhấn mạnh việc sở hữu Greenland giữ vai trò cốt yếu đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Song, các nhà phân tích cho rằng ngoài mục tiêu về an ninh, ông Trump có thể đang chú ý đến tiềm năng tài nguyên và vị trí chiến lược của Greenland trong mạng lưới giao thương toàn cầu. Là hòn đảo lớn nhất thế giới, Greenland nằm kề Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. diện tích khoảng 2,16 triệu km², vùng đất này lớn hơn Mexico, gấp ba lần bang Texas (Hoa Kỳ). Từ năm 1814, Greenland trở thành lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, chịu một phần kiểm soát từ Copenhagen về lĩnh vực đối ngoại.

Điều gì khiến ông Trump kiên quyết mua Greenland từ Đan Mạch

Nguồn: Ministry of Foreign Affairs of Denmark’s website

Dân số hơn 56.000 người giúp Greenland được xem như một mảnh ghép địa hình chính trị quan trọng. Từ thời Chiến tranh Lạnh, vai trò chiến lược của khu vực này đã được khẳng định khi Hoa Kỳ xây dựng căn cứ không quân Thule vào năm 1951. Căn cứ này, với hệ thống radar cảnh báo sớm, có khả năng phát hiện các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hướng về Hoa Kỳ. Đến năm 2020, cơ sở này được chuyển giao cho Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ và được đổi tên thành Căn cứ Vũ trụ Pituffik.

Không chỉ dừng lại ở an ninh, Greenland còn hấp dẫn bởi kho tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm dầu mỏ, khí đốt, các kim loại đất hiếm. Những nguồn lợi này đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghệ xanh như sản xuất pin xe điện, tuabin gió, và thiết bị quân sự. Băng tan do biến đổi khí hậu càng làm tăng khả năng tiếp cận những nguồn tài nguyên đó, đồng thời mở ra các tuyến đường vận tải mới ở Bắc Cực, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các châu lục. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên cũng đặt ra những vấn đề môi trường phức tạp, gây tranh luận giữa các nhà bảo vệ khí hậu và những người ủng hộ khai thác kinh tế.

Điều gì khiến ông Trump kiên quyết mua Greenland từ Đan Mạch

Vị trí của Greenland. Nguồn: Google Earth

Đáng chú ý, lịch sử ghi nhận Hoa Kỳ từng hai lần đề nghị mua Greenland nhưng đều thất bại. Năm 1867, Tổng thống Andrew Johnson cân nhắc việc mua lại hòn đảo này sau khi hoàn tất thương vụ Alaska. Đến năm 1946, chính quyền Truman tiếp tục đưa ra lời đề nghị trị giá 100 triệu USD, song cũng không thành công.

Hiện tại, chưa rõ ông Trump kiên trì theo đuổi mục tiêu này đến đâu, nhưng chắc chắn rằng tham vọng mua Greenland sẽ làm dấy lên nhiều tranh cãi trên trường quốc tế. Greenland không chỉ là một mắt xích quan trọng các chiến lược toàn cầu mà còn là biểu tượng của những chuyển động lớn về kinh tế và môi trường thế kỷ 21. Với vị trí đặc biệt, nguồn tài nguyên giàu có cùng sự tác động của biến đổi khí hậu, hòn đảo này đã trở thành tâm điểm không chỉ của Hoa Kỳ mà còn thu hút sự chú ý từ các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga.

Viet Anh

Bình luận