Xoay quanh vấn đề làm lệch chuẩn văn hóa Nam bộ trong “Đất rừng phương nam”, Cục Điện ảnh (Việt Nam) đã tiến hành thẩm định. Đồng thời, thống nhất thay đổi một số tên gọi gây hiểu nhầm. Đến ngày 16/10, Cục cho biết nhà sản xuất đã gửi bản chỉnh sửa và quyết định công chiếu sớm.
Trước đó, Người Việt plus đã có bài viết “Đất rừng phương nam: Tuyên truyền sai lệch văn hóa?” đề cập đến tác phẩm chuyển thể của cố nhà văn Đoàn Giỏi bị truyền tải hình ảnh sai lệch, ảnh hưởng đến biểu tượng văn hóa Nam bộ.
Trước làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận, đến ngày 14/10 vừa qua, Cục điện ảnh (Việt Nam) đã tiến hành thẩm định lại bộ phim. Tại đây, nhà sản xuất (NSX) “Đất rừng phương nam” đã chủ động đề xuất thay tên và lời thoại từ “Thiên Địa hội” - “Nghĩa Hòa đoàn” lần lượt thành “Chính Nghĩa hội” - “Nam Hòa đoàn”, theo Báo Vietnamnet.
Đến ngày 16/10, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, NSX “Đất rừng phương nam” đã gửi lại bản chỉnh sửa và quyết định bắt đầu khởi chiếu phim từ 18h ngày 16/10 (theo giờ Việt Nam).
Trên mạng xã hội, bên cạnh những lời khen về góc máy, cảnh quay, hình ảnh sắc nét, phần lớn các tài khoản đều bức xúc trước trang phục lai căn của diễn viên. Trong phim, hầu hết các nhân vật quan trọng với cốt truyện như An, Bác Ba Phi, Út Lục Lâm, Võ Tòng,… đều mặc trang phục người Hoa (áo xá xẩu) và đội nón theo phong cách Trung Quốc. Chiếc áo bà ba chỉ được sử dụng cho diễn viên quần chúng.
Cư dân mạng chế phim “Đất rừng phương Nam” thành “Đất rừng Vân Nam” - “Phản Thanh phục Minh” (Nguồn: Internet)
Quần áo gây tranh cãi của diễn viên trong phim (Nguồn: Internet)
Một số tình tiết xoay quanh nhân vật chính cũng bị thay đổi. Trong đó, đáng chú ý là việc nhân vật bé An (do Hạo Khang thủ vai) đã đi theo Tiều (thành viên Thiên Địa hội) để học võ, làm việc cho tổ chức thay vì theo ông Ba bắt rắn (diễn viên Mạnh Dung) như trong tiểu thuyết và phiên bản truyền hình.
Các cảnh quay trong phim tuy đẹp mắt nhưng lại dàn dựng cho các diễn viên, điển hình như Võ Tòng (Mai Tài Phến thủ vai) bay nhảy như phim võ hiệp Trung Quốc.
Một phân đoạn trong phim không khác gì phim võ hiệp Trung Quốc (Nguồn: Internet)
“Thiên Địa Hội” và “Nghĩa Hòa Đoàn” trong phim được “tẩy trắng” thành anh hùng hy sinh vì nghĩa lớn. Trên thực tế, hai tổ chức này chủ yếu hoạt động kinh tế dựa vào việc mại dâm, buôn thuốc phiện và cờ bạc. Từng là nỗi sợ hãi của đồng bào Nam Bộ do những hoạt động cướp - giết - hiếp nguy hại đến đời sống người dân.
Vai trò lãnh đạo và tầm quan trọng của nhân dân Nam bộ rất mờ nhạt thậm chí là “rùa rút đầu” (trích từ lời thoại của các diễn viên thuộc Thiên Địa hội trong phim).
Không chỉ thế, vào ngày 16/10, trên mạng xã hội còn rộ thông tin nhiều trường học có thư ngỏ và vận động học sinh, sinh viên đi xem phim trải nghiệm nằm trong hoạt động học tập.
Một trường học còn ra văn bản yêu cầu học sinh tham gia xem phim (Nguồn: Internet)
Theo đó, dư luận cho rằng cần xác định việc hư cấu nguyên tác, đề cao các tổ chức nước ngoài và hạ bệ vai trò của người Việt nói chung hay đồng bào Nam bộ nói riêng có ngụ ý gì? Truyền tải thông điệp gì? Tác động sâu rộng đến tư duy, nhận thức và định hướng xã hội ra sao?
Đề nghị cơ quan chức năng trong nước cần tiếp tục thanh tra, rà soát chặt chẽ, tránh để lọt các yếu tố sai lệch, nhạy cảm. Cần xác định hành vi tuyên truyền của đội ngũ sản xuất và người đứng sau chỉ đạo tác phẩm. Nếu hành động trên gây ảnh hưởng đến biểu tượng văn hóa Nam bộ, khiến giới trẻ nhận thức nhầm thì trách nhiệm thuộc về ai?
Kelvin Huynh
Bình luận