Ngày 24/10/2023, trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội Việt Nam về các báo cáo kinh tế - xã hội, trong đó đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội đã có những ý kiến đánh giá về bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” và nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Bùi Hoài Sơn phát biểu tại cuộc họp tổ của các địa biểu Quốc hội, đoàn đại biểu TP. Hà Nội
ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, “Phim ảnh là nghệ thuật chứ không phải lịch sử. Nếu cần biết rõ lịch sử thì mở sách sử. Vì vậy, cần nhìn nhận phim ảnh là các sản phẩm mang tính hư cấu, sáng tạo. Nếu chúng ta cứ đưa cách nhìn cứng nhắc, không tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ thì chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm văn hóa nghệ thuật khô cứng, không nhận được sự quan tâm của xã hội. Chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào vòng “luẩn quẩn”, từ đó thông điệp của quá khứ không được kể ra một cách hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay.”, báo Lao Động đưa tin.
Tuy nhiên, đây là một ý kiến hoàn toàn phiến diện, thực tế khi dự án phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” được giới thiệu, công chúng đã rất ủng hộ và mong chờ. Khi được công chiếu, bộ phim không phải bị chỉ trích vì tư duy sáng tạo, đổi mới mà vì những hình ảnh mang biểu tượng văn hóa Nam Bộ và yếu tố lịch sử bị làm sai lệch đi. Biết rằng, việc sản xuất một bộ phim điện ảnh dựa trên quyển tiểu thuyết và phim truyền hình nổi tiếng là một việc khá khó khăn, đòi hỏi nhiều sự sáng tạo, để tạo dấu ấn mới thu hút khán giả. Nhưng những thay đổi đột phá này vẫn nên nằm trong một khuôn khổ nhất định và phải phù hợp với văn hóa, lịch sử dân tộc. Không được đánh tráo khái niệm, lấy lý do mượn chất liệu lịch sử, hư cấu, sáng tạo làm sai lệch lịch sử, ảnh hưởng đến tư duy nhận thức của người xem, đặc biệt là giới trẻ.
Một phân cảnh trong phim được ví von như cảnh phim “Bến Thượng Hải” với nhân vật ba An (diễn viên Huỳnh Đông thủ vai) là người Việt nhưng lại mặc đồ, mang giày người Hoa
Nếu chỉ xem “phim ảnh là nghệ thuật chứ không phải lịch sử” thì Cục Điện ảnh Việt Nam đã không phải nhiều lần kiểm duyệt, cấm chiếu các bộ phim nước ngoài có xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp. Nổi bật nhất là bộ phim bom tấn Hollywood - Barbie đã bị cấm chiếu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chính ĐBQH Bùi Hoài Sơn cũng bày tỏ rất lo lắng khi chứng kiến sự “xâm lăng văn hóa” của các sản phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài. Đặc biệt là các bộ phim lịch sử, dã sử của Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn thường được khán giả Việt tấm tắc khen ngợi. Các bộ phim, bài hát, truyện tranh,… không phù hợp với văn hóa và các giá trị đạo đức, truyền thống dân tộc Việt Nam, khiến cho một bộ phận công chúng say mê lịch sử nước ngoài, có nguy cơ lãng quên lịch sử, văn hóa dân tộc, trở thành những bản sao của các nền văn hóa khác.
Hình ảnh ông Tiều, người của Thiên Địa Hội trong phim
Thực tế cho thấy, không ít giới trẻ Việt khi xem những bộ phim này còn có hiểu rõ về văn hóa lịch sử nước bạn hơn văn hóa, lịch sử Việt Nam. Ấy vậy mà, với một bộ phim điện ảnh được chuẩn bị trong 5 năm, đầu tư số tiền khủng với sự góp mặt của các diễn viên đình đám có nhiều hình ảnh, nội dung gây lệch lạc văn hóa, lịch sử lại được quảng cáo rầm rộ, khuyến khích người xem. ĐBQH Bùi Hoài Sơn nói bộ phim hư cấu, sáng tạo nhưng lại dựa trên lịch sử, vậy khi xem phim công chúng có bị hiểu sai lịch sử, nhầm tưởng những gì trên phim là giá trị thực tựa như cách “xâm lăng văn hóa” của các sản phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài. Bởi không phải ai cũng có những kiến thức chuyên sâu về văn hóa, lịch sử dân tộc, nhất là các bạn trẻ.
Nhận xét của Tiến sĩ lý luận văn học và biên kịch Đào Lê Na về yếu tố “ký ức cộng đồng” trong phim
Hầu như mọi người đều ủng hộ và dành nhiều kỳ vọng cho những bộ phim sáng tạo từ chất liệu lịch sử. Song “Đất rừng phương Nam” với sự sáng tạo lệch chuẩn và thông tin bị sai lệch như vậy, khi được phổ biến đến công chúng trong nước và xa hơn là khán giả quốc tế, liệu rằng giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc có bị hiểu sai? Dù là một sản phẩm nghệ thuật mang tính giải trí, nhưng cũng phải đảm bảo tính giáo dục, đạo đức phù hợp mới là sản phẩm giải trí có giá trị.
Vǎn hóa cùng với kinh tế, chính trị là ba mặt trận quan trọng của một đất nước. Vì vậy để có thể “vỗ ngực” tự hào về lịch sử và văn hóa dân tộc khi hội nhập văn hóa thế giới, trước hết chúng ta cần nghiêm túc trong công tác quản lý, kiểm duyệt các tác phẩm giải trí, văn hóa nghệ thuật sao cho phù hợp với giá trị tốt đẹp của nó trước khi tuyên truyền và phát triển văn hóa vào đời sống xã hội.
Matthew Phan
Bình luận