Chuyên gia đánh giá cao tiềm năng Đông Nam Á, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng
Tin tức

Chuyên gia đánh giá cao tiềm năng Đông Nam Á, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng

(TAP) - Đó là nhận định trích dẫn từ báo cáo của Hội đồng Angsana; Công ty tư vấn Bain & Company và Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) công bố ngày 1/8. Trong 10 năm tới, Đông Nam Á sẽ vượt Bắc Kinh về tổng sản phẩm quốc nội, đầu tư trực tiếp nước ngoài và Việt Nam dẫn dầu với tốc độ tăng trưởng hằng năm cao nhất.

Báo cáo chung có tên “Vượt qua sóng gió: Triển vọng Đông Nam Á 2024 - 2034” (Navigating High Winds: Southeast Asia Outlook 2024 - 2034) từ các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính cho biết, 06 nền kinh tế hàng đầu của khu vực, được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm vượt xa Trung Quốc, lần lượt là: Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Chuyên gia nhận định, Đông Nam Á sẽ vượt Bắc Kinh về tổng sản phẩm quốc nội, đầu tư trực tiếp nước ngoài (Nguồn: Bain & Company)

Trong đó, Việt Nam và Philippines dự kiến sẽ vượt mức tăng trưởng 6%, Indonesia xếp phía sau với mức 5,7%. Đây là hai quốc gia được đánh giá có tiềm năng vượt qua Trung Quốc với mức độ tăng trưởng chỉ 5,1%. Malaysia theo sau với mức 4,5%, trong khi Thái Lan cùng Singapore dự kiến tăng trưởng lần lượt là 2,8% và 2,5%.

Nếu như trước đây, khu vực Đông Nam Á vẫn bị đánh giá là tụt hậu so với các cường quốc kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ,… thì hiện tại, yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng đáng kể ở khu vực này chính là nhờ vào nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào.

Trong 10 năm qua, lần đầu tiên, Đông Nam Á thu hút nhiều FDI hơn Trung Quốc (ghi nhận vào năm 2023), theo nhận định của Giám đốc điều hành và chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng DBS - ông Taimur Baig. Ước tính FDI vào Đông Nam Á đã lên tới 206 tỷ USD, trong khi con số này phía Bắc Kinh chỉ đạt 43 tỷ USD. Điều này cũng được thể hiện qua mức tăng trưởng FDI đạt 37% ở Đông Nam Á giai đoạn 2018 - 2022, so với chỉ 10% của Trung Quốc.

Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn dầu khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng hằng năm cao nhất (Nguồn: pexels)

Bên cạnh FDI, báo cáo trên cũng nhận định, sức bật toàn khu vực đang tăng lên đáng kể nhờ vào nền kinh tế đa dạng (mở rộng thêm nhiều ngành công nghệ, sản xuất và dịch vụ, bên cạnh công nghiệp truyền thống). Ở Việt Nam, quốc gia được đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng hằng năm, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ vào năm 2023 mang đến cho chính quyền Hà Nội nhiều cơ hội tiếp cận, được đào tạo và thâm nhập thị phần chip bán dẫn.

Từ một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ, bán dẫn trở thành ngành đào tạo nhận được nhiều sự quan tâm của lao động trẻ. Hàng loạt cơ sở giáo dục trong nước đã đăng thông báo mở hoặc chuẩn bị mở các ngành học trong lĩnh vực hàng đầu định hình tương lai. Đơn cử có thể kể đến: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ,...

Cuộc Đối thoại Kinh tế Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam lần thứ I diễn ra ở Washington, D.C ngày 25/6 vừa qua, với những cam kết tăng cường, mở rộng hợp tác về cung ứng bán dẫn, đào tạo lao động,… càng thêm củng cố cho tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đối thoại Kinh tế Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam lần thứ I mở ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực bán dẫn (Nguồn: Deputy Minister of Planning and Investment)

Về các quốc gia còn lại, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Philippines được đánh giá nhờ vào hưởng lợi từ đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi (lao động trẻ, chất lượng hơn). Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng của Indonesia xuất phát từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân số ngày càng tăng và bối cảnh khởi nghiệp năng động. Tốc độ tăng trưởng của Malaysia được hỗ trợ bởi sự tập trung mới vào việc thu hút FDI, đặc biệt về lĩnh vực bán dẫn.

Mặc dù báo cáo cho thấy quá trình tăng trưởng của Thái Lan tương đối khiêm tốn, nhưng đất nước “chùa vàng” vẫn có nhiều triển vọng và tiềm năng phát triển cao hơn. Thế mạnh kinh tế của Bangkok thể hiện qua ngành du lịch đang dần phục hồi. Như TAP News từng thông tin, từ ngày 15/7, Chính phủ Thái Lan đã gia hạn chính sách miễn thị thực lên đến 60 ngày cho 94 quốc gia để để thúc đẩy du lịch và thu hút nguồn thu từ khách quốc tế.

Đẩy mạnh du lịch quốc nội giúp đất nước “chùa vàng” phát triển kinh tế (Nguồn: pexels)

Kelvin Huynh

 

Bình luận