Nhân ngày Sức khỏe thế giới (7/4/2022), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam triển khai chương trình thảo luận trực tuyến về ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến sức khỏe toàn cầu.
Theo báo Thế giới và Việt Nam đăng tải ngày 7/4/2022, nhân kỷ niệm Ngày Sức khỏe thế giới, WHO tại Việt Nam đã triển khai chương trình trực tuyến chủ đề “Hành tinh của chúng ta, Sức khỏe của chúng ta” nhằm thảo luận về tác động biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người.
Cuộc tọa đàm có sự tham dự của Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; Tiến sĩ Socorro Escalante, Điều phối viên Chương trình Chăm sóc khỏe toàn dân, môi trường, lối sống lành mạnh, WHO; Giáo sư Yun Chul Hong, Chủ tịch Nhóm Cố vấn kỹ thuật về biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe (CCE TAG); ông Mozaharul Alam, Điều phối viên khu vực, Tiểu Chương trình hành động chống lại biến đổi khí hậu, Văn phòng UNEP khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Chuyên gia Maggie Montgomery, Nhóm Nước sạch, vệ sinh và sức khỏe (WHO); PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Đại học Y tế công cộng Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế; cùng nhiều chuyên gia, khách mời trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Kidong Park (vest đen) phát biểu trong chương trình (Nguồn báo Thế giới và Việt Nam)
Tiến sĩ Kidong Park cho biết, hiện nay sức khỏe người dân toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi quá trình biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường, ô nhiễm khí thải, phân hủy kỵ khí từ sinh vật chết,... Đặc biệt, ở Việt Nam, người dân những thành phố lớn thường xuyên hít thở không khí ô nhiễm. Hàng năm, khoảng 70% dân số phải đối mặt thiên tai kéo theo hơn 300 người thiệt mạng. Vì thế, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam kêu gọi mọi người, các cơ quan, tổ chức chính phủ trong nước cũng như thế giới cần chú trọng tầm quan trọng của biến đổi khí hậu. Đồng thời, thực hiện biện pháp giảm thiểu tác động thay đổi môi trường sống Việt Nam. Ngoài mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, đây cũng là cam kết Việt Nam hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021.
Phản hồi lời kêu gọi từ ông Park, Đại diện Bộ Y tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà giới thiệu kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Y tế giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, chứng minh Việt Nam luôn coi trọng vấn đề môi trường, đồng thời có động thái tích cực trong việc giảm thiểu ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng.
Lần lượt các chuyên gia, diễn giả tham dự cũng trình bày ý kiến, đi sâu vào phân tích đánh giá nhằm củng cố thông tin cho buổi thảo luận. Theo đó, PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh trình bày nghiên cứu, đánh giá khả năng thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Chuyên gia Maggie Montgomery thuyết trình năng lực ứng phó tình huống và vệ sinh nước sạch tại cơ sở chăm sóc sức khỏe. Giáo sư Yun Chul Hong đề cập tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra trên thế giới và tầm nhìn tương lai khu vực Tây Thái Bình Dương trong việc giải quyết khủng hoảng.
Ngày Sức khỏe Thế giới là sự kiện thường niên được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 1950. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều quốc gia chưa thật sự chưa chú trọng đến ảnh hưởng môi trường, khí hậu đối với sức khỏe mọi người. Thông qua chương trình lần này, WHO phát động chiến dịch “Thay đổi vì biến đổi khí hậu” với mong muốn cải thiện sức khỏe cộng đồng, môi trường và hành tinh với những điều nhỏ nhặt, đơn giản.
Thái Sơn (TH)
Bình luận