Ngày 15/7, ông Mahinda Yapa Abeywardana - Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, thông báo đã chấp nhận đơn từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
Theo báo Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, sau khi đến Singapore, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã gửi đơn từ chức qua thư điện tử vào ngày 14/7. Hôm nay, khi phát biểu trước giới truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka thông báo: “Ông Gotabaya đã từ chức hợp pháp” và việc này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 14/7.
Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena (bên trái) chấp nhận đơn từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa - Ảnh: AP
Thêm vào đó, ông Mahinda Yapa Abeywardana còn cho biết Quốc hội sẽ họp vào ngày 16/7 và trong vòng 7 ngày tới sẽ hoàn tất tiến trình bầu chọn một tổng thống mới. Đồng thời, chính quyền Sri Lanka sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan.
Theo Hiến pháp Sri Lanka, vị trí Quyền Tổng thống sẽ do Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đảm nhiệm cho đến khi Quốc hội bầu được một nghị sĩ kế nhiệm ông Gotabaya Rajapaksa trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ này. Thế nhưng, người biểu tình cũng yêu cầu ông Wickremesinghe từ chức.
Trong nhiều tháng qua, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, Sri Lanka đã trải qua tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, từ đó dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Các mặt hàng thiết yếu nhất tại quốc gia này tăng giá gấp 3 lần. Vì vậy, các cuộc biểu tình ở Sri Lanka liên tiếp diễn ra.
Trước việc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nộp đơn từ chức, tối ngày 14/7, người biểu tình bên ngoài trụ sở chính quyền ở Colombo tiến hành ăn mừng sau gần 100 ngày biểu tình. Khung cảnh hỗn loạn bao trùm khắp thủ đô Colombo ngày nào được thay thế bằng niềm vui, nụ cười hiện rõ trên gương mặt của những người biểu tình phản đối Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Không chỉ thế, họ còn nhảy múa, trao kẹo, ôm nhau và vẫy lá quốc kỳ.
Hình ảnh người biểu tình ở Colombo hào hứng sau khi nghe tin Tổng thống nộp đơn từ chức. Ảnh: Reuters
Ảnh hưởng từ làn sóng biểu tình dữ dội và hành động nộp đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa và em trai của ông - Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa vừa qua, có thể xem như đã phá hủy “triều đại chính trị Rajapaksa”, vốn nắm quyền lãnh đạo Sri Lanka trong gần 2 thập kỷ.
Nguyễn Trân (TH)
Bình luận