(TAP) - Nổi tiếng là mạng xã hội bảo mật nhất thế giới, mới đây, “cha đẻ” Telegram bất ngờ có tiết lộ gây sốc về vụ rò rỉ thông tin năm 2018 trên nền tảng. Vào thời điểm đó, mạng xã hội này thực tế đã cung cấp địa chỉ IP của những tài khoản bị nghi tội phạm cho cơ quan Chính phủ.
Đó là nội dung được trích dẫn từ bài đăng gần đây (2/10) của CEO Telegram - ông Pavel Durov liên quan đến những đổi lớn trong cách thức hoạt động của mạng xã hội này. Như TAP News thông tin, trước đó vào ngày 23/9, trên tài khoản Telegram cá nhân, ông Durov từng tuyên bố đã cập nhật chính sách dịch vụ và quyền riêng tư của nền tảng. Theo đó, địa chỉ IP và số điện thoại của những tài khoản vi phạm quy định, tiêu chuẩn cộng đồng có thể được tiết lộ cho cơ quan có thẩm quyền.
Mạng xã hội Telegram (Nguồn: pexels)
Cần biết rằng, chính sách giữ bí mật dữ liệu tuyệt đối trên Telegram từ lâu đã nhận được sự ủng hộ của một lượng những người cá nhân theo đuổi quyền tự do ngôn luận cánh hữu. Tuy nhiên, đây cũng là lỗ hổng thu hút một lượng lớn các băng đảng tội phạm, nhóm bất đồng chính kiến chính trị, khiến ông Durov vướng vào những rắc rối kiểm duyệt, tố tụng pháp lý tại một số quốc gia. Thời điểm thông báo trên được đưa ra, không ít người dùng đều cảm thấy bất ngờ.
Trước phản ứng trái chiều từ dư luận, CEO Telegram giải thích, thực tế những chính sách mới không có nhiều thay đổi như người dùng nghĩ. “Cha đẻ” nền tảng nói rằng, động thái tiết lộ địa chỉ IP/số điện thoại tài khoản bị nghi là tội phạm cho cơ quan chức năng đã được áp dụng từ năm 2018 tại hầu hết các quốc gia.
Bất cứ khi nào nhóm của Durov nhận được yêu cầu pháp lý, họ sẽ xác minh và tiết lộ dữ liệu tội phạm nguy hiểm. “Quy trình này đã được triển khai từ lâu trước tuần trước” (This process had been in place long before last week) - tức thời điểm công bố chính sách cung cấp thông tin người dùng cho Chính phủ khiến dư luận tranh cãi.
Trong thông báo, Telegram cũng dẫn số liệu cho biết, trong Quý I/2024 tại Brazil, nền tảng này đã tiết lộ dữ liệu cho 75 yêu cầu pháp lý; 63 yêu cầu trong Quý II và 65 yêu cầu trong Quý III. Ở Ấn Độ, thị trường được ông Durov công nhận là lớn nhất của hãng, Telegram nói đã đáp ứng 2461 yêu cầu pháp lý trong Quý I; 2151 yêu cầu trong quý II và 2380 yêu cầu trong quý III.
Tại Châu Âu (EU), CEO Telegram cho biết, số yêu cầu cung cấp thông tin nền tảng này nhận được đã tăng lên đáng kể trong Quý III, tuy nhiên không cung cấp số liệu cụ thể. Thay vào đó, ông Durov chỉ giải thích, sự gia tăng này có liên quan đến Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act, viết tắt: DSA) do EU ban hành từ đầu năm nay.
Tuyên bố từng tiết lộ thông tin người dùng cho cơ quan Chính phủ từ năm 2018 của CEO Telegram (Nguồn: Telegram “Du Rove's Channel”)
Mặc dù lên tiếng đính chính, giới quan sát chính trị cho rằng, hành động công khai thông tin cho biết từng cung cấp thông tin người dùng cho Chính phủ từ năm 2018 có nguy cơ phản tác dụng, khó làm yên dư luận. Bên cạnh đó, tuy công bố số liệu chứng minh “lắng nghe” yêu cầu pháp lý từ cơ quan Chính phủ các nước, Telegram và EU vẫn có nhiều khúc mắc liên quan đến việc minh bạch người dùng thông qua DSA, bao gồm công bố số yêu cầu cung cấp thông tin và lượng người dùng truy cập trong tháng.
Đầu tháng trước, TAP News từng có bài viết “Telegram không công bố cụ thể số liệu người dùng trong tháng, EU cân nhắc giám sát chặt chẽ” thông tin việc mạng xã hội này không công bố cụ thể số liệu người dùng tháng 8. Điều này gây xung đột với DSA - dự luật yêu cầu các nền tảng có ít nhất 45 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại EU được xác định là nền tảng trực tuyến rất lớn (very large online platforms), phải được quản lý bởi Ủy ban châu Âu (European Commission, viết tắt: EC) thay vì các cơ quan quốc gia.
Therion Son
Bình luận