Ông Hun Sen - Thủ tướng đương nhiệm Campuchia vừa từ chức và bổ nhiệm con trai lên nắm quyền đất nước.
Hun Sen đã từ chức và cho con trai kế nhiệm chức vụ Thủ tướng (Nguồn: The Guardian)
Đảm nhận chức vụ Thủ tướng Campuchia từ năm 1985, suốt gần 40 năm qua, ông Hun Sen đã góp phần mang lại sự tăng trưởng kinh tế cho “đất nước chùa tháp” sau tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Mặc dù vậy, trong quá khứ, ông từng là chỉ huy quân đội Khmer Đỏ - chế độ ước tính đã gây ra cái chết kinh hoàng cho gần 2 triệu người dân Campuchia. Tuy nhiên, Hun Sen đã đào ngũ, trốn sang Việt Nam và giúp quân dân hỗ trợ đánh đuổi, lật đổ chính quyền Pol Pot.
Ngày 24/7 vừa qua, Ủy ban Bầu cử quốc gia của Campuchia (The National Election Committee) công bố kết quả bầu cử Quốc hội sơ bộ cho thấy đảng Nhân dân Campuchia (Cambodian People's Party) của ông Hun Sen giành 120/125 tổng số ghế, theo Tờ Phnom Penh Post. Đến ngày 26/7, trong buổi phỏng vấn cùng đài trên truyền hình quốc gia, Hun Sen cho biết đã gặp Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni và tuyên bố từ bỏ chức vụ Thủ tướng. Thay vào đó, vai trò này sẽ được bổ nhiệm cho Hun Manet - con trai Hun Sen sau vài tuần nữa.
Chân dung Hun Manet - Tân Thủ tướng Campuchia trong thời gian tới (Nguồn: The Guardian)
Theo lý lịch công khai trên trang thông tin Chính phủ, Hun Manet (45 tuổi) tốt nghiệp học viện quân sự West Point (Hoa Kỳ). Ông có bằng thạc sĩ kinh tế (Đại học New York) và bằng tiến sĩ kinh tế (Đại học Bristol). Từ năm 2021, thông tin Hun Manet được chọn là người kế vị vốn đã được đảng Nhân dân Campuchia tán thành. Vào cuối tuần trước (23/7), Manet cũng giành được một ghế trong Quốc hội Campuchia. Điều này đồng nghĩa là con trai Hun Sen hoàn toàn có đủ tư cách thay cha đảm nhận chức vụ mới.
Công chúng kỳ vọng, ngay cả khi chuyển giao nhiệm vụ, Hun Sen sẽ vẫn có nhiều đóng góp và sức ảnh hưởng đối với đất nước. Chính bản thân ông vào tháng 6/2023 cũng từng chia sẻ, nếu con trai không đáp ứng được kỳ vọng của người dân, Cựu Thủ tướng sẽ quay lại đảm nhận vai trò quản lý đất nước, theo Tờ Phnom Penh Post.
Về chiều hướng ngược lại, mặc dù giúp tái thiết và phát triển đất nước, một bộ phận công chúng vẫn chỉ trích Hun Sen vì cho rằng sự ổn định hiện có phải trả giá bằng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận. Dưới thời đại trị vì của Hun Sen, Campuchia là đồng minh thân cận của Trung Quốc và được hưởng nhiều chính sách đầu tư lớn từ chính quyền đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với các bất cập liên quan đến gia tăng tham nhũng, bất bình đẳng, xung đột quyền lợi và tàn phá môi trường sống, theo The Guardian.
Kelvin Huynh
Bình luận