Cam kết của lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam tại APEC
Tin Hoa Kỳ

Cam kết của lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam tại APEC

Tại Hội nghị APEC 2023 ở San Francisco, Hoa Kỳ cam kết xây dựng nền kinh tế bền vững, đồng thời nhấn mạnh hợp tác với các quốc gia trong việc giải quyết thách thức toàn cầu. Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn chia sẻ trách nhiệm, hướng tới tương lai hòa bình, hợp tác phát triển.

Hoa Kỳ cam kết hợp tác mạnh mẽ với những quốc gia thuộc khu vực

Tại Hội nghị APEC 2023 diễn ra từ 14 - 16/11 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhắc lại sức ảnh hưởng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với quy mô kinh tế khu vực APEC đạt hơn 60% GDP toàn cầu, Diễn đàn cho thấy tầm quan trọng trong việc đóng góp thành công cho mục tiêu xây dựng nền kinh tế bền vững, công bằng và hỗ trợ người lao động, theo Nhà trắng.

Nhờ chiến lược kinh tế tích cực, Tổng thống cho biết Hoa Kỳ đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, bao gồm tăng trưởng cao, thất nghiệp thấp và sự đầu tư đáng kể từ doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, Chính quyền Washington D.C. cũng cam kết hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia trong khu vực và củng cố chuỗi cung ứng bán dẫn, đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ.

Tổng thống Biden thể hiện mong muốn duy trì mối quan hệ ổn định với Trung Quốc nhằm tạo môi trường công bằng và tích cực. Người đứng đầu Nhà Trắng đã đề cập đến tình hình biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, không quên nhắc lại sáng kiến “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Economic Framework, viết tắt: IPEF) như một giải pháp hữu hiệu mang đến lợi ích thúc đẩy kinh tế, đầu tư, ứng phó đại dịch, xử lý chuỗi cung ứng,…

IPEF là chiến lược kinh tế do Tổng thống Biden đưa ra vào tháng 5/2022. Bên cạnh Hoa Kỳ và Ấn Độ, sáng kiến đã thu hút 12 nước tham gia. Bao gồm: Brunei, Australia, Fiji, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam. Những thành viên IPEF sẽ tham gia thảo luận chuyên sâu, hướng đến giải quyết vấn đề về thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng.

Cam kết của lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam tại APEC

Tổng thống Hoa Kỳ tại Hội nghị APEC 2023

Việt Nam chia sẻ trách nhiệm giải quyết thách thức toàn cầu

Phát biểu tại Diễn đàn APEC 2023, đại diện của Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn do tăng trưởng không bền vững. Xung đột giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự đổi mới trong cách tiếp cận.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đề xuất kết hợp tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; khuyến khích hợp tác quốc tế, duy trì nền kinh tế thế giới mở, nhưng phải đảm bảo an ninh kinh tế; quản trị toàn cầu về công nghệ cần xem xét các hệ quả kinh tế, văn hóa, chính trị và bảo đảm an toàn, chủ quyền mỗi quốc gia.

Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2023, Việt Nam sẽ ưu tiên huy động và sử dụng hiệu quả tài chính từ nhiều nguồn lực. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia phát triển cam kết tốt hơn trong việc hỗ trợ quốc gia đang phát triển.

Chủ tịch Võ Văn Thưởng cũng đánh giá, APEC là diễn đàn tiên phong, có đóng góp tích cực vào việc xây dựng liên kết kinh tế và thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Tuy nhiên, để đối mặt với thách thức và vấn đề tồn đọng, Diễn đàn cần khôi phục niềm tin vào tự do thương mại và đầu tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế, an ninh kinh tế,… theo TTXVN.

Cam kết của lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam tại APEC

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng

Quan điểm và chính sách phát triển của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Cam kết tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện cam kết phát triển bền vững.

Thông qua sự hợp tác, đồng lòng và quyết tâm, Việt Nam kỳ vọng các nước tham gia APEC cùng nhau chia sẻ trách nhiệm giải quyết thách thức, hướng tới tương lai hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Kelvin Huynh

Bình luận