Các ngân hàng lớn tại Hoa Kỳ thiệt hại nặng khi rời khỏi Nga
Tin Quốc Tế

Các ngân hàng lớn tại Hoa Kỳ thiệt hại nặng khi rời khỏi Nga

Hiện nay, một số ngân hàng lớn tại Hoa Kỳ phải gánh chịu nhiều tổn thất tài chính từ khoản nợ chính phủ và khoản vay cá nhân khi là một trong những ngân hàng phương Tây đầu tiên rút khỏi thị trường Nga.

Thông tin báo Điện tử Công luận (Việt Nam) đăng tải ngày 22/4/2022 cho biết, sau khi hủy đăng ký giao dịch và rút khỏi thị trường tài chính Nga, hầu hết ngân hàng Hoa Kỳ đều đang chịu tổn thất nặng nề.

Trước đây, các chuyên gia từng nhận định thị trường tài chính Hoa Kỳ sẽ ít bị tác động như Tây Âu khi tình hình chiến sự giữa Nga - Ukraine trở nên căng thẳng. Dựa vào báo cáo tài chính hằng năm, có thể nhận thấy giao dịch giữa nước này với Nga chiếm chưa đến 1% tổng số tài sản ngân hàng Hoa Kỳ (khoảng 17 nghìn tỷ USD).

Tuy nhiên, theo Refinitiv - nhà cung cấp toàn cầu của Mỹ - Anh về cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính, sáu ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ có khả năng giảm hơn một phần ba lợi nhuận Qúy I (2022). Ngoài ra, thông tin từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, thời điểm Nga sáp nhập Crimea (lãnh thổ thuộc bán đảo Krym) từ năm 2014, mặc dù đã giảm độ phủ sóng ở Moscow nhưng doanh nghiệp Nga vẫn nợ ngân hàng Mỹ khoảng 14,7 tỷ USD.

Các ngân hàng lớn tại Mỹ thiệt hại nặng khi rời khỏi Nga

Nhiều ngân hàng hàng đầu Hoa Kỳ lo ngại mất trắng khoản vay tại Nga (Nguồn Công luận)

Cụ thể, khi chính quyền Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Citigroup - công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia trụ sở ở New York tiết lộ Nga vẫn đang nợ 10 tỷ USD thông qua khoản vay cá nhân, vay chính phủ và nhiều giao dịch khác. Tính đến nay, đây cũng là ngân hàng Hoa Kỳ có tỷ lệ giao dịch cao nhất tại Nga.

Trước những bất ổn thị trường vì tình hình chiến tranh, Bank of New York Mellon Corp - tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Hoa Kỳ đã tuyên bố lỗ gần 100 triệu USD. Goldman Sachs - tập đoàn tài chính khổng lồ Goldman cho biết, doanh nghiệp này cũng thiệt hại khoảng 700 triệu USD, trong đó doanh thu giảm 27% xuống 12,9 tỷ USD, lợi nhuận ròng giảm 42% xuống 3,9 tỷ USD. Cổ phiếu ngân hàng này cũng sụt giảm 24,5% so với thời điểm đầu tháng 11/2021.

So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận quý 1 năm 2022 của JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ giảm 42% xuống còn 8,3 tỷ USD và doanh thu giảm 5% xuống còn 30,7 tỷ USD. Jamie Dimon - Giám đốc điều hành JPMorgan Chase cho biết ngân hàng này nhiều khả năng mất gần 1 tỷ USD do nguy cơ xung đột kéo dài.

Dù là ngân hàng lớn duy nhất báo cáo doanh thu tăng 2% lên 23,2 tỷ USD, dẫn đến thu nhập lãi ròng tăng 13%, thu nhập ròng Bank of America (BofA) vẫn giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, trong báo cáo lợi nhuận quý I/2022, đại diện BofA nói rằng phải dự trữ 1,9 tỷ USD cho tình huống khẩn cấp.

Thời gian tới, các chuyên gia dự đoán những ngân hàng lớn sẽ thu lại lợi nhuận nhờ phục hồi thị trường cho vay cũng như giảm bớt lãi suất. Tuy nhiên, điều này có thể dấy lên lo ngại về vấn đề lạm phát tiền tệ và suy thoái kinh tế.

Thái Sơn (TH)

Bình luận