Những công dụng giấm táo mang lại cho sức khoẻ
Đời sống

Những công dụng giấm táo mang lại cho sức khoẻ

(TAP) - Giấm táo bản chất là một loại giấm lên men từ táo. Thông qua quá trình nghiền, ép lấy nước sau đó thêm vào lợi khuẩn và men để chuyển hóa đường thành rượu. Trong bước lên men thứ hai, rượu tiếp tục chuyển thành giấm nhờ axit axetic. Giấm táo có màu vàng nhạt, vị chua và có mùi thơm của táo với 94% nước, 5% axit axetic và 1% carbohydrate. Trong 100g giấm táo cung cấp 22 calo, Kali 67mg, 0.93g carbohydrate, đặc biệt không chứa chất béo hoặc protein. Nhờ đó, giấm táo mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Các công dụng từ giấm táo 

Hình ảnh minh họa

     1. Cải thiện tiêu hóa:

Giấm táo là giải pháp hiệu quả đối với các trường hợp có vấn đề về hệ tiêu hóa. Bởi trong giấm táo chứa nhiều enzyme, amino axit và các lợi khuẩn hỗ trợ tiêu diệt các vi khuẩn có hại gây tiêu chảy, đầy hơi và co thắt ruột. Ngoài ra, các enzyme giúp tăng tốc độ tiêu hóa nói chung. 

2. Trị táo bón, ợ nóng và các vấn đề đường ruột:

Dùng giấm táo pha loãng với nước giúp điều chỉnh nồng độ axit trong dạ dày xuống mức thấp nhờ đó giảm chứng ợ nóng. Đồng thời, chất xơ trong táo giúp làm dịu toàn bộ đường tiêu hóa ngăn ngừa đau bụng, đầy hơi và khí tự do, kích thích nhu động ruột trong trường hợp thường xuyên bị táo bón. Tuy nhiên, đối với những người có vết loét ở dạ dày tuyệt đối không nên uống vì giấm táo có tác động khá mạnh.

3. Tăng cường hệ miễn dịch:

Các axit malic trong giấm táo là một chất kháng virus mạnh mẽ. Ngoài ra, giấm táo nguyên chất có lợi cho hệ thống bạch huyết. Nhờ tác dụng làm sạch các hạch bạch huyết và phá vỡ chất nhầy trong cơ thể, giấm táo hỗ trợ giảm nghẹt mũi, cảm lạnh và hạn chế dị ứng.

4. Hỗ trợ giảm cân:

Axit axetic trong giấm táo có thể ức chế sự thèm ăn từ đó đẩy mạnh quá trình trao đổi chất và giảm khả năng trữ nước. Bên cạnh đó, hàm lượng pectin hạn chế khả năng hấp thụ chất béo của cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phương pháp giảm cân bằng giấm táo không phải là cách bền vững. Phương pháp này chỉ ứng dụng một cách an toàn trên cơ thể khỏe mạnh.

5. Cải thiện làn da:

Hàm lượng phenolic trong giấm táo có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa giúp ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng da và cả những bệnh do tình trạng cháy nắng gây ra. Từ đó, sức khỏe làn da được tăng cường, hoạt động tối ưu, sản xuất một lượng dầu phù hợp, hạn chế xuất hiện mụn trứng cá. Hơn nữa, axit malic có trong giấm táo có tác dụng tẩy tế bào chết mức độ nhẹ, làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm mụn đầu đen, cải thiện tình trạng tăng sắc tố.

Các công dụng từ giấm táo

Hình ảnh minh họa

     6. Giảm đau họng và hôi miệng:

Súc miệng bằng giấm táo là một biện pháp khắc phục tại nhà phổ biến cho bệnh viêm họng, hôi miệng nhờ đặc tính kháng và tiêu diệt vi khuẩn. Do giấm táo có tính axit rất cao có thể gây bỏng cổ họng nên cần pha loãng giấm với nước trước khi tiến hành súc miệng.

Mặc dù giấm táo có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ nhưng cũng tồn tại một số rủi ro khi sử dụng như kích ứng cổ họng, phản ứng với thuốc khác, có thể gây hạ đường và kali trong máu. Chính vì thế, để sử dụng giấm táo hiệu quả và an toàn cho sức khỏe, mọi người cần lưu ý:

-        Nên bắt đầu sử dụng với một lượng nhỏ và tăng dần cho đến tối đa 2 muỗng canh (30ml) mỗi ngày.

-        Pha loãng giấm táo trong nước, tùy thuộc vào tình trạng cơ thể.

-        Hạn chế để răng tiếp xúc trực tiếp với axit axetic để tránh bào mòn răng bằng cách pha loãng hoặc uống qua ống hút.

-        Súc miệng bằng nước sạch sau khi sử dụng giấm táo để tránh làm hỏng men răng.

-        Giới hạn lượng ở mức 1 thìa cà phê (5ml) trong nước hoặc nước trộn salad để hạn chế tình trạng liệt dạ dày.

-        Nếu gặp phản ứng dị ứng cần ngừng dùng ngay lập tức và liên hệ bác sĩ. 

Quoc Trung

 

Bình luận