(TAP) - Liên quan đến nghi vấn vì sao thượng tọa Thích Chân Quang được nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ chỉ sau 2 năm tốt nghiệp đại học (ĐH), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Trường ĐH Luật Hà Nội (nơi ông Quang theo học) gửi báo cáo về Bộ để tổng hợp.
Như TAP News thông tin, cách đây không lâu, Thượng tọa Thích Chân Quang đã bị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kỷ luật, cấm thuyết pháp trong 2 năm, đồng thời buộc gỡ bỏ các bài đăng không đúng chuẩn mực trên mạng xã hội (MXH).
Trong bối cảnh dư luận vẫn chưa nguôi ngoai trước những phát ngôn gây hoang mang của trụ trì Chùa Thiền Tôn Phật Quang, mới đây, MXH tiếp tục xuất hiện nhiều thông tin trái chiều liên quan đến quá trình tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tiến sĩ của một người tên “Vương Tấn Việt” - tức thượng tọa Thích Chân Quang khi còn học tại Trường ĐH Luật Hà Nội. Theo nhận định của dư luận, kể từ khi tốt nghiệp đại học (tháng 1/2019) đến lúc được cấp bằng tiến sĩ luật (tháng 3/2022) chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 2 năm 3 tháng.
Trong khi đó, đối với quá trình đào tạo thông thường, một Cử nhân đại học phải tốn trên 2 năm để tham gia nghiên cứu, bảo vệ đồ án tốt nghiệp và nhận bằng thạc sĩ - học vị thấp hơn so với tiến sĩ. Lộ trình tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng Tiến sĩ cho ông Vương Tấn Việt liệu có quá ngắn so với quy định?
Bộ Giáo dục và Đào tạo (Việt Nam) yêu cầu gửi báo cáo và chứng cứ làm rõ bằng tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang
Về quá trình theo học của nghiên cứu sinh, trước đó, đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội từng cho biết, cử nhân Vương Tấn Việt có đủ điều kiện để học thẳng lên tiến sĩ. Nguyên nhân vì ông Việt có bằng tốt nghiệp ĐH ngành luật loại giỏi; có bằng tốt nghiệp đại học, ngành tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội) và là tác giả của 01 báo cáo khoa học in trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế (có phản biện năm 2017).
Cũng theo Trường ĐH Luật Hà Nội, ông Việt hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ từ tháng 12/2019 - 6/2021; hoàn thành 07 học phần của chương trình đào tạo tiến sĩ cũng như các học phần bổ sung trong khoảng thời gian từ năm 2020 - 2021; có 02 bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế (có phản biện);…
Về vấn đề vì sao quá trình đào tạo tiến sĩ ngắn hơn bình thường, đại diện trường cho biết, vào tháng 10/2021, ông Việt cũng đã có đơn xin rút ngắn thời gian học và bảo vệ luận án cấp trường được cơ sở giáo dục chấp thuận.
Mặc dù cơ sở đào tạo đã có giải đáp, vào ngày 25/6 vừa qua, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) vẫn có công văn hỏa tốc gửi đến Trường ĐH Luật Hà Nội, yêu cầu báo cáo và gửi chứng cứ cụ thể để Bộ tổng hợp trong ngày 26/6.
Huy Niel
Bình luận