Tại cuộc họp giữa các ngoại trưởng khu vực Trung Âu ngày 12/4/2022, dù Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lệnh trừng phạt toàn diện với Nga, một số nước trong khối vẫn chưa thể đạt thỏa thuận về việc giảm thiểu nhập khẩu năng lượng từ chính quyền Moscow.
Thông tin báo Thế giới và Việt Nam đăng tải ngày 13/4/2022, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cả Slovakia, Czech và Hungary đều cân nhắc việc ngừng nhập khẩu nguyên liệu từ chính quyền Moscow. Tuy nhiên, cuộc gặp ngày 12/4/2022 tại thành phố Prague (Cộng hòa Czech), ngoại trưởng các nước khu vực Trung Âu vẫn chưa đạt được tiếng nói chung.
Theo dữ liệu thống kê, trong năm 2021, EU nhập khẩu 45% lượng than, 45% khí đốt, khoảng 25% dầu từ Nga. EU cũng đồng thời trở thành đối tác lớn của Nga trên phương diện nhập khẩu năng lượng. Đặc biệt, Hydrocarbon là mặt hàng quan trọng nhất.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh mở cuộc tiến công vào thành phố Kiev (Ukraine) ngày 24/2/2022, việc nhận cung cấp nguyên liệu từ Moscow trở thành đề tài nóng, gây tranh cãi trong khối liên minh EU. Mới đây, Slovakia, Cộng hòa Czech, Hungary đã đánh tiếng bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Phần lớn năng lượng, nguyên liệu sử dụng tại EU đang nhập khẩu từ Nga.
Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Ivan Korčok tuyên bố, chính quyền nước này sẵn sàng ngừng nhập khẩu khí đốt và dầu từ Nga nhưng nhấn mạnh cần thời gian tìm kiếm nguồn cung ứng phù hợp.
Ông Jan Lipavský - Bộ trưởng Ngoại giao Czech cho biết, trước bối cảnh Cộng hòa Czech đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên Âu vào tháng 7/2022, CEZ - Tập đoàn điện lực thuộc Cộng hòa Czech sẽ hợp tác cùng những nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân tại Mỹ và Pháp, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu năng lượng Nga vào năm 2024.
Dù không tham gia cuộc họp lần này, ngoại trưởng các nước hy vọng Ba Lan thoát khỏi sự phụ thuộc dầu mỏ Moscow, đồng thời tìm kiếm nguồn cung khí đốt phù hợp trong thời gian tới.
Trái ngược với số đông, Hungary có cách tiếp cận thận trọng, chưa thật sự nhất quán. Ông Péter Szijjártó - Ngoại trưởng Hungary cho biết, nước này có lập trường rõ ràng về vấn đề năng lượng và lằn ranh an ninh, chính trị. Mặc dù ủng hộ phần lớn lệnh trừng phạt của EU nhưng Hungary không thể áp dụng biện pháp gây sức ép liên quan đến nhập khẩu dầu khí.
Thái Sơn (TH)
Bình luận