Hà Tĩnh không chỉ được biết đến là vùng đất hiếu học mà còn là nơi có nhiều địa danh tham quan nổi tiếng. Cảnh quan nơi đây hữu tình nên thơ, giữ được nét hoang sơ, hùng vĩ mà mẹ thiên nhiên ban tặng.
Hà Tĩnh thuộc miền Trung Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 340km, phía Bắc giáp với Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình còn phía Tây giáp Lào. Nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh sở hữu nhiều di sản mang giá trị văn hóa, lịch sử và danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp khiến ai cũng muốn ghé thăm ít nhất một lần.
Vườn Quốc gia Vũ Quang
Điểm tham quan đầu tiên có thể kể đến chính là Vườn quốc gia Vũ Quang nằm ở địa phận 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn với tổng diện tích quản lý hơn 56 ngàn ha (56.646.9 ha). Khu bảo tồn có thảm thực vật phong phú với hơn 300 loài thực vật quý hiếm như: trầm hương, thông tre... Động vật sinh sống trong vườn cũng rất đa dạng về loài thú, chim, bò sát, lưỡng cư và cá. Đặc biệt, năm 1992, Vườn quốc gia Vũ Quang phát hiện loài thú lớn thuộc họ sơn dương là Sao la (Pseudoryx nghetinhensis). Năm 2002, Vườn quốc gia được chuyển thành Khu bảo tồn cấp cao nhất.
Vườn Quốc gia Vũ Quang chụp từ trên cao
Chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích nằm trên đỉnh núi đẹp nhất trong 99 đỉnh non Hồng của dãy Hồng Lĩnh xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa có tên gọi đầy đủ: chùa Hương Tích Cổ Tự, được xây dựng vào thế kỷ XII thời Trần, gắn liền câu chuyện công chúa Diệu Thiện tu hành đắc đạo hóa Phật cứu độ chúng sinh, từ đó người dân xây dựng thành nơi thờ tự. Nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, chùa được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” – Ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu (Xứ Nghệ), một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa.
Đường lên chùa Hương dài 4000m, chùa nằm trong quần thể kiến trúc cổ gồm 3 khu vực chính là Thượng điền, đền Thiện Vương, am Thánh Mẫu. Khung cảnh ở đây sơn thủy hữu tình, linh thiêng mà ai ai cũng mong muốn hướng về dâng hương, hành lễ cầu bình an sức khỏe. Tới đây, mọi người sẽ cảm nhận được vẻ đẹp non nước, mây trời, núi rừng hòa làm một, vẽ nên khung cảnh thiên nhiên đất trời đẹp tựa như tranh.
Toàn cảnh đường lên chùa Hương Tích
Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
Tiếp tục hành trình đến Hà Tĩnh, ghé thăm khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng xã Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh, từng là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến trường Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng tham gia như bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân quân du kích... thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người.
Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
Khu di tích lịch sử cấp quốc gia được xây dựng để tưởng niệm hàng nghìn chiến sĩ và người dân đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông Bắc – Nam. Trong đó có Khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong, sa bàn chiến đấu, tháp chuông Đồng Lộc, nhà bảo tàng, cụm tượng đài... Tại đây, phần mộ 10 nữ thanh niên xung phong có hai cây bồ kết mọc xanh tốt, cao hơn cả những cây thông, cây vú sữa bên cạnh. Được biết năm 1995, đại tá Nguyễn Tiến Tuẩn, nguyên Giám đốc Công an Hà Tĩnh về Hương Sơn tìm 2 cây bồ kết mang đến trồng bên cạnh phần mộ các nữ thanh niên, mong muốn gửi gắm lòng biết ơn sâu sắc đến thế hệ đi trước đã hi sinh cho đất nước được độc lập.
Khu di tích lịch sử Đại thi hào Nguyễn Du
Hà Tĩnh được mệnh danh là vùng đất hiếu học cũng là quê hương, nơi nuôi dưỡng tâm hồn thơ ca của Đại thi hào Nguyễn Du. Tại Hà Tĩnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập khu di tích Nguyễn Du vào năm 1962 với tổng diện tích khoảng hơn 28 ngàn m2 tại thôn Hồng Lam, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.
Nằm trong quần thể di tích dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, di tích bao gồm đền thờ Đại Vương tiến sĩ Nguyễn Huệ; đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, đàn tế Nguyễn Quỳnh; 2 ngôi nhà Tư Văn; khu mộ đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và nhà thờ Nguyễn Du. Nổi bật nhất khu di tích chính có bức tượng cụ Nguyễn Du được đúc bằng đồng, khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông toát lên thần thái của Đại thi hào dân tộc.
Bức tượng đồng Đại thi hào Nguyễn Du
Hồ Kẻ Gỗ
Đến Hà Tĩnh mà không tham quan Hồ Kẻ Gỗ là một thiếu sót lớn. Hồ nằm ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ, hồ Kẻ gỗ ban đầu do người Pháp quy hoạch và thiết kế nhưng chiến tranh Đông Dương nổ ra nên người Pháp làm được 2 năm rồi ngưng. Sau đó, hồ được phục hồi tu sửa vào năm 1976 – 1979 do ông Trương Kiện, chủ tịch UBND tỉnh khởi công.
Hồ Kẻ Gỗ chứa nước ngọt nhân tạo dài 30km với sức chứa hơn 300 triệu m3 nước. Hồ nằm trên lưu vực của sông Rào Cái, nhận nước từ hàng trăm khe suối của dãy Trường Sơn. Diện tích hồ rộng lớn, nên nước hồ chảy qua các tuyến chính với chiều dài 250km đã phục vụ cho 21.000 đất canh tác của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” để nói lên tình cảm dành cho công trình này.
Một thoáng hồ Kẻ Gỗ
Ngoài ra, giữa hồ có đền thờ cố Tổng bí thư Lê Duẩn (1907-1986), với tổng khuôn viên di tích 320km2 hướng về phía Tây Bắc, lối thiết kế giản dị, hòa hợp với thiên nhiên. Ngày 18/3/2022, Đền thờ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Mặc dù Hà Tĩnh là mảnh đất đầy nắng gió, khí hậu khắc nghiệt, ảnh hưởng thiên tai lũ lụt nhưng vẫn nhận được ưu ái của mẹ thiên nhiên ban tặng cho biết bao nhiêu cảnh đẹp. Trên đây chỉ điểm qua một vài điểm tham quan nổi bật, nếu có dịp ngang qua, nhớ dừng lại ngắm núi Hồng – sông Lam và ăn nhiều món ăn đặc sản tại vùng quê này.
Chi Linh (TH)
Bình luận