Ngoài các điểm nổi tiếng như rạn san hô Great Barrier Reef hay hẻm núi đá nhiều màu Grand Canyon, thế giới vẫn còn rất địa điểm hùng vĩ và tuyệt đẹp mà con người cần khám phá.
Vịnh băng Ilulissat Icefjord: Vịnh băng Ilulissat Icefjord ở gần thành phố Ilulissat, đảo Greenland, Đan Mạch. Vịnh được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới từ năm 2004. Chèo thuyền kayak và chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp huyền ảo tại đây chắc chắn là trải nghiệm khó quên với nhiều du khách.
Công viên quốc gia Te Wahipounamu: Nằm trên đảo South, New Zealand, công viên quốc gia Te Wahipounamu là hệ thống gồm 4 vườn nhỏ: Mount Cook, Mount Aspiring, Fiordland và Westland. Mount Cook là nơi có đỉnh núi cao nhất New Zealand, 3.755 m. Te Wahipounamu hội tụ những cái “nhất”, bao gồm từ sông băng lớn, những khu rừng có cây cao cho đến đường biển gồ ghề và các vịnh hồ sâu của New Zealand.
Hệ thống hang động Skocjan Skocjan (Slovenia): Là một trong những hệ thống hang ngầm ẩm ướt nằm dưới lòng đất lớn nhất thế giới, được tạo nên bởi sông Reka. Ngoài ra, Skocjan còn chứa một hệ thống các động đá vôi với 4 khe trũng lớn có độ sâu lên tới 150 m và rộng 120 m. Địa điểm này được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 1986.
Khu bảo tồn vịnh Glacier: Khu bảo tồn vịnh Glacier nằm ở ranh giới giữa Alaska (Mỹ) và Canada, diện tích gồm 4 vườn quốc gia lớn của cả 2 nước. Trong đó, núi Logan thuộc vườn quốc gia Kluane với độ cao 5.959 m hiện là đỉnh cao nhất của Canada. Logan được biết đến là thiên đường của những người thích leo núi và cắm trại.
Vùng núi Shirakami Sanchi: Shirakami Sanchi nằm ở phía bắc đảo Honshu, Nhật Bản. Đây là vùng rừng cạnh biển lớn nhất khu vực Đông Á. Rất ít du khách biết nơi này vì để vào được rừng phải xin giấy phép của các nhà chức trách.
Hệ thống hồ Ounianga: Hệ thống hồ Ounianga thuộc Chad, châu Phi có 18 hồ kết nối với nhau, ngoài ra còn có các đồi cọ, cồn cát cùng các kết cấu sa thạch kỳ lạ khác. Vùng hồ nằm giữa khu vực Ennedi, nơi cực kỳ khô cằn của sa mạc Sahara. Hệ thống hồ Ounianga trở thành Di sản thiên nhiên thế giới từ năm 2012.
Khu bảo tồn Cửu Trại Câu: Nằm ở miền Bắc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), Cửu Trại Câu còn được gọi là “Thung lũng chín làng”. Khu bảo tồn này được hình thành trên dãy núi đá vôi trầm tích, nổi tiếng nhờ hệ thống hồ đa sắc, các thác nước nhiều tầng và bao quanh bởi những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng. Cửu Trại Câu được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992.
Bờ biển Ningaloo: Ningaloo là một trong những điểm đến kỳ thú nhất Australia. Mỗi năm, có thể tìm thấy khoảng 10.000 tổ rùa biển tại đây. Đặc biệt, Ningaloo có rạn san hô gần bờ dài nhất thế giới (260 km). Ngoài các mạch nước ngầm, hệ thống hang động và núi đá vôi, Ningaloo còn là nơi hội tụ của 300 - 500 sinh vật biển khác nhau. Năm 2011, UNESCO công nhận bờ biển này cùng rặng san hô là Di sản thiên nhiên thế giới.
Hệ thống đảo Aldabra Atoll: Aldabra Atoll nằm ở Seychelles, châu Phi, bao gồm 4 hòn đảo san hô lớn. Vì nằm ở vị trí bao quanh bởi một vùng nước lớn và do du khách rất khó tiếp cận nên nơi đây không phải chịu nhiều tác động từ con người. Aldabra Atoll là thiên đường của rất nhiều loài sinh vật, trong đó có loại rùa lớn nhất thế giới.
Vườn quốc gia hồ Plitvice: Nằm ở miền trung Croatia, khu vực hồ Plitvice là vườn quốc gia lâu đời nhất Đông Nam châu Âu. Một hệ thống gồm 16 hồ nhỏ cùng đổ thành những dòng thác về hồ Plitvice. Nước hồ có màu rất đặc biệt, bao gồm cả xanh ngọc lam, xanh lá, xanh da trời và cả xám. Năm 1979, nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời là một trong số các di sản tự nhiên đầu tiên khắp toàn cầu.
Theo giadinhvn.vn
Bình luận