Nhà khoa học trưởng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo về việc dịch sốt xuất huyết sẽ trở thành mối đe dọa lớn tại miền Nam Hoa Kỳ, châu Âu và lan rộng nhiều khu vực của châu Phi trong thập kỷ này.
Theo hãng tin Reuters dẫn lời ông Jeremy Farrar – nhà khoa học trưởng của WHO, dịch bệnh sốt xuất huyết từ lâu đã trở thành tai họa ở nhiều quốc gia châu Á và Mỹ Latinh, ước tính có khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm. Kể từ năm 2018, tỷ lệ mắc bệnh này trên toàn cầu tăng gấp 8 lần, nguyên nhân đến từ tình trạng biến đổi khí hậu, cùng lượng người di cư ngày càng tăng và hiện tượng đô thị hóa.
Muỗi được nhìn thấy tại vùng nước tù đọng trên mặt đường tại Bangladesh (Nguồn: Reuters)
Đỉnh điểm vào năm 2022, số ca bệnh ghi nhận trên toàn thế giới lên đến 4,2 triệu, chưa kể đến các ca bệnh không được báo cáo. Riêng tại châu Âu, số lượng người nhiễm sốt xuất huyết trong năm ngoái nhiều hơn cả một thập kỷ trước cộng lại, hay các trường hợp gây nhiễm cộng đồng ghi nhận ở bang Florida và Texas (Hoa Kỳ).
Giới chức y tế đã đưa ra lời cảnh báo rằng, trong năm nay mức độ lan truyền của dịch sốt xuất huyết có thể chạm đến kỷ lục. Hiện Bangladesh đang là quốc gia đối mặt với tình hình dịch bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay, với hơn 208.000 ca bệnh và 1.000 ca tử vong.
Trước tình hình này, ông Farrar kêu gọi các khu vực bị ảnh hưởng, nơi dịch bệnh có khả năng bùng phát mạnh cần phải chuẩn bị chu đáo, nhằm tránh trường hợp gây áp lực quá tải cho các dịch vụ y tế. Theo đó, công tác chuẩn bị được đề xuất bao gồm: kế hoạch phân loại bệnh nhân tại các bệnh viện, quy hoạch đô thị để hạn chế khu vực nước tồn đọng,...
Nhà khoa học trưởng WHO kêu gọi cần có sự chuẩn bị chu đáo để đối phó với dịch sốt xuất huyết (Nguồn: Reuters)
Hiện có 2 loại vắc xin phòng sốt xuất huyết phổ biến, Dengvaxia sử dụng rộng rãi toàn cầu và Qdenga được phê duyệt năm ngoái ở Anh, EU, một số quốc gia Nam Mỹ và châu Á.
Mie Duong
Bình luận