Vào ngày 26/3 (giờ địa phương), một tàu container (phương tiện chở hàng trọng tải lớn trên mặt nước) lao vào cầu Francis Scott Key thuộc thành phố Baltimore (bang Maryland) gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngay lập tức, Thị trưởng địa phương đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và Chính phủ cũng huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ đưa cảng này hoạt động trở lại trong thời gian tới.
Vụ va chạm khiến cấu trúc cầu sụp đổ, nhiều phương tiện di chuyển phía trên lao vào nhau, rồi rơi xuống nước khiến thiệt hại về tài sản và thương vong gia tăng, vô số dân thường bị mất tích.
Theo thông tin từ Văn phòng Thị trưởng Baltimore Mayor Brandon M. Scott (Mayor’s Office) đăng tải cùng ngày, chính quyền địa phương đã ban hành “Lệnh hành pháp Kế hoạch Hoạt động Khẩn cấp của Thành phố Baltimore” (Executive Order mobilizes the City of Baltimore’s Emergency Operations Plan) nhằm triển khai nhiều nguồn lực bảo vệ những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc và mở rộng các nguồn lực sẵn có để giải quyết tình huống khẩn cấp. Thành phố sẽ duy trì tình trạng thích ứng khẩn cấp trong vòng 30 ngày (có thể kéo dài hoặc kết thúc sớm hơn) tính từ thời điểm đưa ra thông báo.
Sự cố va chạm dẫn đến sập cầu Francis Scott Key vừa qua (Nguồn: U.S. Department of Transportation)
Liên quan đến vụ việc, cũng trong ngày 26/3, thông tin từ Nhà Trắng cho biết, ngay khi ghi nhận sự cố, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Department of Transportation) Hoa Kỳ; Giám đốc điều hành Quận (County Executive) và thượng nghị sĩ Thượng - Hạ viện đều có mặt tại hiện trường.
Bên cạnh đó, Lực lượng cảnh sát biển (U.S. Coast Guard) đã phối hợp cùng đại diện Cục Quản lý Đường cao tốc Liên bang (Federal Highway Administration); Cục Điều tra Liên bang (Federal Bureau of Investigation); Quân đoàn Kỹ sư (Army Corps of Engineers), cũng như các quan chức bang Maryland và Cảnh sát và Cứu hỏa Baltimore (Baltimore Police and Fire) phối hợp ứng phó trước tình trạng khẩn cấp.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhận định vụ tai nạn có tính chất nghiêm trọng, tuy nhiên chưa có dấu hiệu nào cho thấy đây là hành động có chủ đích (nguy cơ khủng bố). Hiện, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ là ưu tiên hàng đầu của địa phương cũng như Chính phủ. Điều này đồng nghĩa quá trình giao thông tàu thuyền tại cảng Baltimore bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền Washington, D.C, cảng Baltimore là một trong những trung tâm vận chuyển lớn nhất quốc gia, giúp xử lý lượng hàng hóa kỷ lục vào năm ngoái. Ước tính khoảng 850.000 phương tiện lưu thông qua khu vực này hằng năm và hơn 30.000 phương tiện phải qua cầu Francis Scott Key mỗi ngày. Đồng thời, đây cũng là cảng hàng đầu Hoa Kỳ về xuất nhập khẩu ô tô và xe trọng tải nhẹ, 15.000 việc làm của công nhân trên khắp đất nước phụ thuộc vào hoạt động giao thương hàng hóa, thương mại tại Baltimore.
Hoa Kỳ nỗ lực khắc phục sự cố và khai thông hoạt động tại cảng Baltimore (Nguồn: White House)
Vào ngày 28/3, Tổng thống Biden đã cùng Bộ trưởng Giao thông vận tải Buttigieg và Phó Đô đốc Cảnh sát biển Gautier họp bàn, thảo luận về một số biện pháp phối hợp ứng phó trước sự cố sập cầu Francis Scott Key. Theo Nhà trắng, Chính phủ nhấn mạnh sẽ làm mọi thứ nhằm giúp địa phương sớm hồi phục và đưa cảng này hoạt động trở lại sớm nhất có thể.
Kelvin Huynh
Bình luận