(TAP) - Gần đây, dư luận lại được dịp dậy sóng về câu chuyện khách đến nhà hàng dùng bữa thì bị nhân viên đòi kiểm tra điện thoại, yêu cầu xóa ảnh để bảo vệ quyền riêng tư của người nổi tiếng. Phần lớn cho rằng, việc đòi sự riêng tư tại nơi công cộng là không hợp lý. Nếu ưu tiên nghệ sĩ, ai sẽ bảo vệ quyền riêng tư của công chúng?
Trước đó, vào ngày 4/6 (giờ Việt Nam), tài khoản mạng xã hội (MXH) Facebook của một người dùng tên “Khanh An Do” (gọi tắt An) có bài viết bóc phốt Omakase - một nhà hàng phục vụ món Nhật trên địa bàn Quận 1 (TP.HCM, Việt Nam). Theo nội dung người này chia sẻ, trong khi dùng bữa tại quán, nhân viên có yêu cầu An cho xem ảnh trong điện thoại, đòi được xóa nếu ảnh (hoặc video) chẳng may trúng người nổi tiếng ở bàn bên cạnh.
Chủ tài khoản bức xúc cho rằng, vấn đề riêng tư ai cũng hiểu, nhưng việc vô tình chụp trúng người khác bằng điện thoại là chuyện không ai muốn. Tuy nhiên, trong khi chưa biết khách hàng chụp gì, nhân viên đã nằng nặc đòi kiểm tra và yêu cầu xoá hết ảnh vừa chụp.
Bài đăng trên MXH về việc riêng tư tại quán Omakase
“Nghệ sĩ” liên quan đến vụ lùm xùm được chủ tài khoản nhắc đến bằng việc đính kèm một đăng từ fanpage Omakase có hình ảnh của Trấn Thành. Không khó để người dùng MXH nhận ra vợ chồng Trấn Thành - Hari Won là những người nổi tiếng bị “réo tên”.
Về phản ứng dư luận, đa số bình luận đều ủng hộ và hiểu việc phải bỏ ra khoản tiền lớn (hơn 20 triệu đồng) thanh toán hóa đơn để rồi nhận về trải nghiệm tồi tệ là điều khó chấp nhận. Bên cạnh đó, một số khác cũng lên tiếng chỉ trích nhân viên có thái độ phục vụ “lồi lõm”, thiếu tế nhị và không tôn trọng quyền riêng tư khách hàng.
Đáp trả bức xúc của khách hàng cùng phẫn nộ từ dư luận, Omakase lại chọn cách xử lý thiếu chuyên nghiệp là im lặng, xóa bình luận và khóa toàn bộ chức năng trả lời trên fanpage.
Đáng nói rằng, thực tế hành động kiểm tra điện thoại, buộc khách xóa ảnh không xuất phát từ nhân viên, song lại đến từ yêu cầu phía nghệ sĩ - tức vợ chồng Trấn Thành. Nếu chụp ảnh chẳng may trúng người khác tại nơi công cộng bị xem là xâm phạm quyền riêng tư thì yêu cầu kiểm tra điện thoại, đòi xóa ảnh cá nhân khách hàng là hành vi gì?
Được biết, khi làn sóng chỉ trích dư luận tăng cao, chính fanpage Omakase có lên tiếng giải thích, cho biết không phải lỗi nhân viên hay chính sách của quán mà là “khách bên kia không muốn bị quay”. Vậy Trấn Thành dựa vào đâu để đòi hỏi quán phải bảo vệ quyền riêng tư của bản thân và xúc phạm đến quyền của khách hàng khác? Phải chăng Trấn Thành cho rằng người nổi tiếng thì được ưu tiên, trịch thượng hơn so với người khác?
Từ đây, ồn ào đòi quyền riêng tư của Trấn Thành bị dư luận khui lại. Nhiều người không ngần ngại bình luận, nam danh hài đòi hỏi thái quá, mắc bệnh ngôi sao, ảo tưởng độ nổi tiếng, nghĩ bản thân là trung tâm của mọi sự chú ý,…
Đây không phải là lần đầu tiên Trấn Thành vướng vào lùm xùm liên quan đến đòi hỏi riêng tư. Trước đó vào tháng 3/2023, nam danh hài thậm chí tự nhận là “Mr. Riêng tư” khi bị dư luận chỉ trích vì có thái độ trịch trượng, đến sau nhưng được đòi giành quyền bao cả rạp, được nhân viên rạp ưu ái mua hết vé, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim và quyền lợi chính đáng của khán giả.
Phải chăng trong suy nghĩ của Trấn Thành nói riêng cũng như một bộ phận nghệ sĩ nói chung, danh xưng “người nổi tiếng” cho họ quyền được phép thượng đẳng, trịch thượng và nghĩ mình được đặc quyền so với với công chúng? Những cá nhân này dựa vào đâu để xem thường khán giả, những người đã và đang góp phần đem lại thu nhập và sự nổi tiếng cho chính họ?
Rian Phan
Bình luận