Việt Nam - Điểm đến mới trong thị trường Halal
Tin tức

Việt Nam - Điểm đến mới trong thị trường Halal

(TAP) - Với lợi thế truyền thống về nông nghiệp cùng nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, Việt Nam tự tin đáp ứng những nhu cầu khắt khe từ thị trường Halal toàn cầu.

Đây là lời nhấn mạnh từ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” diễn ra vào ngày 22/10. Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Với sự tham gia (trực tiếp và trực tuyến) của gần 500 đại biểu từ các ban, bộ, ngành và địa phương Việt Nam; các tập đoàn, doanh nghiệp lớn Việt Nam sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal; Hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học liên quan; chức sắc Hồi giáo và tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam; cơ quan quản lý Halal một số nước; tổ chức quốc tế và khu vực; cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội; doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, kinh doanh liên quan đến Halal...

Việt Nam - Điểm đến mới trong thị trường Halal 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết các sản phẩm, dịch vụ Halal ngày càng trở nên phổ biến và có thị trường tiêu thụ phân bổ khắp thế giới. Ông nhận định sự phát triển này nhờ vào việc các sản phẩm Halal đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, có đạo đức trong chế biến, bảo vệ môi trường… Với lợi thế truyền thống về nông nghiệp cùng nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, Việt Nam tự tin đáp ứng những nhu cầu khắt khe từ thị trường Halal toàn cầu.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông tin thêm, trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia về “tổ chức chứng nhận Halal”. Đến năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập “Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia” đồng thời xây dựng tiêu chuẩn quốc gia “TCVN 14230:2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị tại Việt Nam”. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ tin tưởng tiêu chuẩn quốc gia trên có thể hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam phát huy giá trị sản phẩm thông qua việc phục vụ khách từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo. Từ đó, đóng góp vào chương trình phát triển ngành Halal của Việt Nam.

Việt Nam - Điểm đến mới trong thị trường Halal 

Ảnh minh họa.

Được biết, thực phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo với những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt từ khâu chế biến đến khâu vận chuyển. Đây là một thị trường đầy tiềm năng giá trị hàng nghìn tỉ USD, khiến cả những quốc gia phi Hồi giáo cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Chỉ tính riêng năm 2022, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7000 tỷ USD. Con số này dự kiến tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD trong năm 2028 nhờ tăng trưởng quy mô dân số Hồi giáo.

Nhìn chung, Việt Nam hiện đang sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển ngành Halal, với sự kết hợp giữa lợi thế nông nghiệp và nền tảng khoa học công nghệ. Sự chủ động trong việc xây dựng tiêu chuẩn và chứng nhận Halal hứa hẹn sẽ tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và vị thế quốc gia trên thị trường quốc tế.

Phương Vi

Bình luận