(TAP) - Sau sự việc nhân viên nhà hàng Omakase K yêu cầu kiểm tra điện thoại và xóa hình ảnh khách hàng Khanh An Do (An) vừa chụp, dư luận đồng loạt phẫn nộ vì ngay cả chủ nhà hàng, thậm chí “người nổi tiếng” đều không có quyền yêu cầu kiểm tra điện thoại cá nhân của người khác. Vậy trường hợp nào được quyền kiểm tra điện thoại của công dân?
Quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác được quy định lại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, theo đó, không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
Như vậy, cá nhân có toàn quyền bảo vệ thông tin riêng tư được lưu trữ trong điện thoại khỏi sự xâm phạm của cá nhân, tổ chức khác. Chỉ khi nào có căn cứ cho rằng trong điện thoại có cất giấu tang vật vi phạm hành chính (theo quy định khoản 1, Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính) hoặc chứa tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan vụ án (theo quy định tại khoản 2, Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015), lúc này cơ quan chức năng, công an mới được quyền yêu cầu kiểm tra điện thoại và cũng chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp vụ việc. Đồng thời, việc khám xét này phải được lập biên bản.
Quay trở lại vụ việc tại nhà hàng Omakase K, nhân viên của quán hoàn toàn không có quyền yêu cầu kiểm tra điện thoại khách hàng An. Đồng thời, hình ảnh trong điện thoại là thông tin riêng tư, nhân viên này và “người nổi tiếng” dựa vào cơ sở nào để đề nghị xóa hình ảnh, một tài sản thuộc quyền sở hữu tuyệt đối của khách hàng? Đây là hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư của cá nhân được pháp luật quy định. Thậm chí, khách hàng An còn cho biết rằng bản thân bị kiểm tra điện thoại như công an vậy.
Dưới bài đăng bức xúc của An, Fanpgage Omakase K đã có giải thích rằng hành động của nhân viên là “theo yêu cầu của khách hàng khác, họ muốn có quyền riêng tư tại nhà hàng nên không muốn bị quay phim dính hình ảnh họ. Nếu khách hàng không có yêu cầu thì không sao ạ”. Từ đó cho thấy, đại diện nhà hàng thiếu hiểu biết khi “ưu ái” cho một khách hàng mà xâm phạm quyền lợi chính đáng của cá nhân khác, trong khi cả 2 đều bỏ ra số tiền như nhau để sử dụng dịch vụ tại quán.
Lời giải thích của nhà hàng Omakesa K nhận lại “gạch đá” từ cộng đồng mạng (Ảnh: Facebook)
Trước lời giải thích của nhà hàng, cư dân mạng đã vô cùng bức xúc cho rằng nếu muốn riêng tư tại sao không bao nhà hàng, không chọn phòng riêng vì nhà hàng có không gian cho những người thích riêng tư, bên cạnh đó còn chỉ trích nhà hàng “o bế” người nổi tiếng để được viết bài quảng cáo… Danh tính của “người nổi tiếng” hay “khách hàng khác” nhắc đến trong bài đăng của Khanh An Do nhanh chóng được cư dân mạng xác định là vợ chồng Trấn Thành – Hariwon.
Những bình luận bức xúc từ cộng đồng mạng khi xác định người được nhắc đến là vợ chồng Trấn Thành (Ảnh: Facebook)
Trước sự việc trên, khách hàng Khanh An Do hoàn toàn có quyền khởi kiện đến cơ quan chức năng khi cảm thấy bản thân bị xúc phạm đến quyền riêng tư. Bên cạnh đó, hành vi của quán Omakesa K cũng đáng bị lên án, quán có thể ưu ái, o bế người nổi tiếng nhưng không vì thế mà xâm phạm đến khách hàng khác người đang sử dụng dịch vụ và trả tiền cho họ.
Qua đó, công dân nên phân biệt đâu là quyền riêng tư theo pháp luật quy định và hiểu rõ để bảo vệ những quyền lợi của bản thân. Đồng thời, bất cứ ai cũng không được quyền xâm phạm đến quyền chính đáng của người khác ngay cả người nổi tiếng, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Lina Phan
Bình luận