(TAP) - Sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử vừa qua, các phương tiện truyền thông châu Á chú ý đến những tác động có thể xảy ra ở khu vực dưới nhiệm kỳ thứ hai của tân Tổng thống Hoa Kỳ.
Tờ China Daily (Trung Quốc) đánh giá, nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump là cơ hội để Bắc Kinh tăng cường đối thoại và cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Nền kinh tế thứ hai thế giới kỳ vọng đôi bên xử lý tốt hơn những vấn đề khác biệt, điển hình như cạnh tranh thương mại, eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Truyền thông châu Á (Asia News Network) dẫn lời nhà nghiên cứu chính trị kiêm sáng lập Eurasia Group và GZERO Media - Chủ tịch Ian Bremmer dự đoán, Trung Quốc có thể muốn thiết lập liên lạc bí mật với đồng minh thân ông Trump như Elon Musk. Chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh hướng đến mối quan hệ ít đối đầu hơn, nhưng điều đó liệu có diễn ra hay không vẫn phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách trong chính quyền tân Tổng thống. Tờ Jakarta Post (Indonesia) lo ngại, đề xuất áp thuế 60% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như 10 - 20 % tất cả hàng hóa nước ngoài khác có thể thúc đẩy các nhà sản xuất Bắc Kinh chuyển hoạt động sang Đông Nam Á để né tránh thuế quan. Điều này gia tăng nguy việc các quốc gia trung gian có thể bị kéo vào cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu trong cuộc chiến phòng vệ thương mại.
Chính sách cứng rắn của ông Trump khiến Bắc Kinh lo ngại và muốn tránh đối đầu (Nguồn: Facebook “Donald J. Trump”)
Đối với Nhật Bản - đồng minh quan trọng của Washington, D.C ở khu vực châu Á, tờ báo Yomiuri Shimbun đã dẫn lời người đứng đầu nước này - Thủ tướng Shigeru Ishiba nói rằng muốn tăng tăng cường liên minh với chính quyền ông Donald Trump. Tuy nhiên, giới chức đất nước mặt trời mọc đang quan ngại các yêu cầu tài chính của ông Trump về cam kết quốc phòng có thể khác với người tiền nhiệm Joe Biden. Một đồng minh quan trọng khác của Hoa Kỳ nhưng ở Đông Nam Á là Philippines cũng đang cho thấy mong muốn duy trì quan hệ chặt chẽ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với lực lượng tuần duyên Bắc Kinh ở Biển Đông tiếp tục leo thang. Ở chiều ngược lại, giới quan sát chính trị nhận định, ông Trump sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines, nhưng có thể yêu cầu nước này tự lực hơn trong lĩnh vực quân sự, South China Morning Post thông tin.
Về định hướng ngoại giao với Washington, D.C hậu ông Trump trở lại ghế nóng, tờ The Statesman (Ấn Độ) dẫn tuyên bố của Thủ tướng nước này - ông Narendra Modi nói rằng, quan hệ đôi bên sẽ ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt về lĩnh vực quốc phòng và chống khủng bố. Tương tự các trường hợp nêu trên, chính quyền New Delhi (thủ đô Ấn Độ) cũng là thành viên trong nhóm Đối thoại Tứ giác An ninh (Quadrilateral Security Dialogue) - diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách thuế quan cứng rắn nhiều khả năng vẫn thể gây khó khăn cho thị trường xuất khẩu của Ấn Độ.
Ấn Độ sẽ duy trì quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ ông Trump bất chấp chính sách thuế quan có thể gây khó khăn cho đôi bên (Nguồn: X “Narendra Modi @narendramodi”)
Cũng theo Asia News Network, Triều Tiên có thể muốn tìm cơ hội nối lại đối thoại mới với chính quyền Trump mặc những hội nghị thượng đỉnh trước đó giữa đôi bên về thỏa thuận kiềm chế hạt nhân không đạt được kết quả. Trong khi đó, Chủ tịch ASEAN năm 2025 - Malaysia có thể chịu ảnh hưởng từ chính sách thương mại của tân Tổng thống, đặc biệt là trong bối cảnh nước này cho thấy động thái muốn gia nhập BRICS (tổ chức quốc tế có Trung Quốc là thành viên chính thức) cũng như thúc đẩy phi USD hóa.
Kane Nguyen
Bình luận