(TAP) - Sau khi Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu áp thuế chống trợ cấp xe điện do Bắc Kinh sản xuất vào tháng trước, Trung Quốc cũng áp thuế bán phá giá rượu mạnh nhập khẩu từ EU. Cho rằng đó là hành động trả đũa, Liên minh đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ủy ban châu Âu (European Commission, viết tắt: EC) ngày 25/11 cho biết, cơ quan này đã chính thức đệ đơn kiện các biện pháp chống bán phá giá (Antidumping Duty, viết tắt: AD) tạm thời do Trung Quốc áp dụng với rượu mạnh nhập khẩu từ Liên minh (European Union, viết tắt EU) lên Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, viết tắt: WTO). Nguồn cơn của vụ kiện bắt đầu vào tháng 10/2024 khi Bộ thương mại (Ministry for Europe and Foreign Affairs) Pháp cho biết sẽ hợp tác với EC để phản đối chính sách áp mức thuế quan rượu mạnh của Bắc Kinh.
Phản ứng này của Trung Quốc diễn ra sau khi EU bỏ phiếu áp thuế chống trợ cấp (Countervailing Duty, viết tắt: CVD) xe điện do đất nước tỷ dân sản xuất. Như TAP News từng thông tin, vào ngày 29/10, dự kiến sau khi biện pháp phòng vệ thương mại từ Liên minh có hiệu lực, những nhà sản xuất/xuất khẩu phía Bắc Kinh đứng trước nguy cơ phải chịu mức thuế lên đến 45,3% - tỷ lệ này đã bao gồm 10% thuế cộng thêm đối với ô tô nhập khẩu vào châu Âu. Trong đó, bị đơn BYD Auto Co., Ltd sẽ chịu áp thuế CVD bổ sung là 17,0%, riêng Geely Holding Group Co., Ltd là 18,8% và 35,3% với SAIC Motor Corporation Limited.
BYD Auto Co., Ltd là một trong những bị đơn vụ Ủy ban châu Âu điều tra xe điện Trung Quốc (Nguồn: Facebook “BYD Global”)
Truyền thông Hoa Kỳ (CNBC) dẫn lời Tổng thống Pháp - ông Emmanuel Macron nói rằng, cuộc điều tra AD về rượu mạnh của Trung Quốc là hành động trả đũa, đặc biệt nhắm chính quyền Paris (thủ đô Pháp) sau khi quốc gia châu Âu này lên tiếng ủng hộ nỗ lực của EC. Cũng theo CNBC, Pháp hiện là nơi có các nhà sản xuất chuyên về rượu mạnh trong phân khúc cao cấp, điển hình như: LVMH, Remy Cointreau, PernodRicard,... Định hướng xuất khẩu mặt hàng đồ uống này sang châu Á, tất nhiên bao gồm cả chiếm lĩnh thị trường Bắc Kinh là mục tiêu ưu tiên của “đất nước hình lục lăng” (biệt danh nước Pháp).
Ghi nhận Bắc Kinh đang là thị trường nhập khẩu rượu cognac (rượu sản xuất tại vùng Cognac của Pháp) lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, đồng thời là thị trường có lợi nhuận cao nhất ngành. Theo Reuters, rượu mạnh Pháp xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD vào năm 2023 và chiếm 99% lượng đồ uống nhập khẩu ở đất nước tỷ dân. Động thái tăng thuế nhập khẩu rượu đã ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị sản xuất của Pháp. Hàng trăm công nhân tại nhà máy phía Tây Nam của Jas Hennessy & Co - nhà sản xuất Pháp với thương hiệu “Hennessy” đã thông báo đình công vào tuần trước, sau khi doanh nghiệp cho biết sẽ xây xưởng đóng chai tại Trung Quốc để tối ưu chi phí. Bên cạnh đó, hãng Remy Cointreau nói rằng, công ty sẽ tăng giá tại Trung Quốc và có thể cắt giảm chi phí trong lĩnh vực sản xuất và chi tiêu quảng cáo.
Jas Hennessy & Co là một trong những nhà sản xuất rượu mạnh Pháp gặp khó khi Trung Quốc tăng thuế nhập khuẩu (Nguồn: Hennessy Cognac | Hennessy)
Trả lời câu hỏi của truyền thông liên quan đến vụ kiện chống lại biện pháp chống AD tạm thời của EU về rượu mạnh, Bộ Thương mại Trung Quốc (中华人民共和国商务部) dẫn lời người đứng đầu Vụ Hiệp ước và Pháp luật thuộc cơ quan này cho biết, Bắc Kinh sẽ xử lý yêu cầu tham vấn theo quy định của WTO. Mạng vô tuyến Sputnik (Nga) cũng dẫn lời đại diện cơ quan thương mại Trung Quốc nói rằng, các AD tạm thời được thông qua dựa trên cơ sở Luật pháp Trung Quốc. Sau quá trình điều tra được nước này cho là “công bằng” và “hợp lý”, biện pháp biện pháp phòng vệ thương mại được thực hiện phù hợp với quy định của WTO, đảm bảo quyền và lợi ích của ngành sản xuất ở đất nước tỷ dân.
Kane Nguyen
Bình luận