Trong đơn đệ trình lên Tòa án Tối cao, TikTok yêu cầu gì?
Tin Quốc Tế

Trong đơn đệ trình lên Tòa án Tối cao, TikTok yêu cầu gì?

(TAP) - Mới đây, đơn đệ trình lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ nhằm xem xét ngăn chặn lệnh cấm của TikTok vừa được công bố. Trong hồ sơ, nền tảng mạng xã hội phía Bắc Kinh yêu cầu cơ quan tư pháp hàng đầu Washington, D.C cần hành động trước ngày 6/1/2025.

Như TAP News từng thông tin về vụ kiện giữa Hoa Kỳ và TikTok, trước đó vào ngày 6/12, hội đồng thẩm phán thuộc Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ Quận Columbia Circuit (U.S. Court of Appeals for the D.C. Circuit) thuộc Washington, D.C đã duy trì phán quyết yêu cầu ByteDance - công ty mẹ của TikTok bán lại ứng dụng hoặc đối mặt với lệnh cấm vào đầu năm 2025. Đến ngày 9/12, truyền thông trong nước lẫn quốc tế đồng loạt dẫn nguồn tin từ TikTok cho biết, doanh nghiệp đã gửi đơn đến tòa phúc thẩm xin tạm thời chặn yêu cầu công ty thoái vốn để chờ Tòa án Tối cao Hoa Kỳ (U.S. Supreme Court) xem xét. Tuy nhiên, nội dung đơn do nền tảng mạng xã hội Bắc Kinh trình cơ quan tư pháp hàng đầu Washington, D.C vẫn chưa được tiết lộ.

Đến ngày 17/12 (giờ địa phương), hồ sơ đệ trình tòa án của TikTok đã được công bố, trong đó có đề nghị cơ quan tư pháp cần hành động trước ngày 6/1/2025. Nền tảng mạng xã hội Bắc Kinh yêu cầu Tòa án Tối cao “làm những gì vẫn thường làm” trong các vụ án về quyền tự do ngôn luận. Bao gồm áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ nhất đối với lệnh cấm ngôn luận và kết luận rằng lệnh này (thoái vốn hoặc chấp nhận bị cấm) có vi phạm Tu chính án thứ nhất (First Amendment) hay không. Ngoài TikTok, 08 người dùng cá nhân và Based Politics Inc - nhóm bảo thủ sử dụng ứng dụng cũng đệ đơn khiếu nại riêng gửi lên Tòa án Tối cao. Trong đơn, các thực thể này đồng tình quan điểm cho rằng việc cấm TikTok sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận. Đồng thời, đối với những người phụ thuộc vào TikTok, họ nói lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến sinh kế và bản thân cũng như cộng đồng.

Trong đơn đệ trình lên Tòa án Tối cao, TikTok yêu cầu gì?

Đơn yêu cầu ngăn chặn của TikTok gửi đến Tòa án Tối cao (Nguồn: documentcloud.org)

Theo truyền thông Hoa Kỳ (NBC News), nếu tạm thời bị ngăn chặn, Tòa án Tối cao sẽ đưa ra kết luận cuối cùng rằng liệu luật này có vượt qua được sự kiểm duyệt của hiến pháp hay không. Tòa án có thể đẩy nhanh việc xem xét vụ án, nghĩa là có thể đưa ra phán quyết cuối cùng trong vòng vài tháng. Nếu các thẩm phán bác bỏ đơn của TikTok, luật sẽ có hiệu lực theo kế hoạch. Ngoài ra, TikTok vẫn có thể yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét lại trong khi luật vẫn còn hiệu lực, nhưng các thẩm phán đã gửi tín hiệu rằng họ nghĩ rằng công ty khó có thể thắng kiện. Chính phủ liên bang bảo vệ luật này vì lý do an ninh quốc gia, cho biết có lo ngại về ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc đối với ứng dụng.

Trong khi chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đang tăng tốc các thủ tục pháp lý vào cuối nhiệm kỳ để giải quyết vụ kiện với TikTok, tân Tổng thống đắc cử - ông Donald Trump dường như có quan điểm cởi mở hơn cho tương lai của nền tảng mạng xã hội phía Bắc Kinh. Vào ngày 6/12, Fox Business Network từng dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của chính quyền ông Trump - Nghị sĩ Mike Waltz nói rằng, tân Tổng thống thứ 47 muốn duy trì TikTok. Washington, D.C hoàn toàn cho phép người công dân có quyền tự do truy cập vào ứng dụng, nhưng quốc gia cũng cần phải bảo vệ dữ liệu. Bên cạnh đó, nguồn tin mới nhất từ CNN cho biết, ông Trump đã lên lịch gặp CEO của TikTok - ông Shou Zi Chew tại nhà riêng ở Mar-a-Lago (Florida) vào ngày 16/12. Cụ thể thảo luận giữa các bên vẫn chưa được tiết lộ.

Trong đơn đệ trình lên Tòa án Tối cao, TikTok yêu cầu gì?

Vào ngày 16/12 vừa qua, truyền thông đưa tin, ông Trump đã gặp CEO TikTok - ông Shou Zi Chew tại nhà riêng Mar-a-Lago (Nguồn: Facebook “Donald J. Trump”)

Long Yuan

Bình luận