Thuốc lá điện tử không phải phương pháp cai thuốc lá hiệu quả
Sức khỏe

Thuốc lá điện tử không phải phương pháp cai thuốc lá hiệu quả

(TAP) - Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả. Thực tế, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp ba lần so với những người không sử dụng. 

Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các quốc gia ASEAN, tổ chức vào chiều ngày 04/11 tại Hà Nội, Việt Nam. Hội thảo do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam phối hợp với Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia nổi tiếng: TS Ulysses Dorotheo – Giám đốc Điều hành SEATCA; bà Bungon Ritthiphakdee – Nhà sáng lập SEATCA; GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam; TS.BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế Việt Nam cùng các đại diện của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.

 Thuốc lá điện tử không phải phương pháp cai thuốc lá hiệu quả

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Y tế Việt Nam

Trong phần phát biểu của mình, GS.TS Trần Văn Thuấn đã chia sẻ về tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm trong thời gian qua, nhưng số lượng người sử dụng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Thêm vào đó, các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá Shisha đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong giới thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ. Ông nhấn mạnh rằng việc các sản phẩm này có mặt ở khắp nơi khiến công tác phòng chống tác hại thuốc lá gặp nhiều khó khăn.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa nêu ra những con số đáng báo động về tác hại của thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong vì hút thuốc thụ động. Về mặt kinh tế, tổn thất toàn cầu từ thuốc lá mỗi năm lên đến 1.400 tỷ USD. Ở Việt Nam, số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá cao gấp 10 lần so với tử vong do tai nạn giao thông. Đặc biệt, kết quả khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh tại 700 cơ sở y tế cho thấy trong năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện vì các triệu chứng liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, bao gồm dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

TS. Ulysses Dorotheo cảnh báo rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không phải là giải pháp giúp người hút bỏ thuốc lá truyền thống. Các sản phẩm này không an toàn như những gì ngành công nghiệp thuốc lá tuyên bố. Chúng vẫn chứa nicotine và các chất độc hại khác, có thể gây ung thư và làm tổn thương phổi. Bà nhấn mạnh các trường hợp tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử (EVALI) đang gia tăng trên toàn cầu, điều này cho thấy những sản phẩm này không hề vô hại. Thực tế cho thấy, nhiều người cố gắng cai thuốc lá bằng cách chuyển sang thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá nung nóng, nhưng kết quả thường là họ tiếp tục sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Hơn nữa, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ cao gấp ba lần bắt đầu hút thuốc lá thông thường.

Thuốc lá điện tử không phải phương pháp cai thuốc lá hiệu quả

 TS. Ulysses Dorotheo, Giám đốc Điều hành của SEATCA phát biểu. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Y tế Việt Nam

TS. Dorotheo cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Các quốc gia như Singapore, Brazil và Hồng Kông, nhờ vào chính sách cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đã đạt được tỷ lệ hút thuốc thấp nhất thế giới, với tỷ lệ hút thuốc lần lượt 10,1%, 9,1% và 9,5%. Bà Dorotheo nhận định Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát thuốc lá mạnh mẽ như tăng thuế thuốc lá và thực hiện các chiến lược phù hợp với Công ước Khung của WHO để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng mà còn bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai.

 

Bình luận