TikTok hiện đang đối diện với làn sóng tẩy chay từ nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, các hoạt động của nền tảng này hiện đang được cơ quan chức năng vào cuộc nhằm thanh tra và giám sát chặt chẽ trước những “lợi bất cập hại” mà nó mang lại cho người dùng.
Tính đến thời điểm hiện tại, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia, Canada, châu Âu,... ban hành nhiều lệnh cấm TikTok trước những mối quan ngại về rủi ro bảo mật thông tin cũng như đe dọa đến lợi ích người dùng. Theo đó, cán bộ, nhân viên chính phủ các quốc gia được yêu cầu xóa ứng dụng khỏi thiết bị công việc và cá nhân để đảm bảo an ninh mạng và bảo mật thông tin.
Tại châu Á, các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh,... đã ban lệnh cấm TikTok bởi hành vi xâm phạm nghiêm trọng lợi ích và thông tin người dùng cũng như phát tán nội dung độc hại, gây nguy hiểm đến nhận thức thậm chí tính mạng con người.
Tại Việt Nam, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kế hoạch thanh tra toàn diện TikTok vào tháng 5 sắp tới, căn cứ trên những hành vi và nội dung độc hại lan truyền trên không gian mạng.
Trong cuộc họp ngày 6/4 vừa qua, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử nêu ra 6 vi phạm của TikTok Việt Nam được xem là gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thứ nhất, TikTok chưa kiểm soát các nội dung mang tính nhạy cảm dẫn đến sự xuất hiện tràn lan của hàng loạt video mang tính chất chống phá, xuyên tạc Đảng, nhà nước cũng như văn hóa lịch sử Việt Nam; nội dung độc hại, mê tín dị đoan, phản cảm, tin giả;...
Sai phạm thứ hai của nền tảng này là sử dụng thuật toán để phát tán cũng như tạo xu hướng cho những video độc hại, tiềm ẩn nguy cơ đến an toàn và tính mạng người dùng, đặc biệt là đối tượng trẻ em cùng thanh thiếu niên.
Thứ ba, TikTok đã mở thêm sàn thương mại điện tử TikTok Shop song thiếu biện pháp giám sát các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,...
Thứ tư, hoạt động của những TikToker nổi tiếng hay còn gọi là “idol” (thần tượng) chưa được giám sát chặt chẽ dẫn đến việc sản xuất tràn lan hàng loạt nội dung kém chất lượng với mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng từ đó lợi dụng dư luận để thu lợi từ những nội dung này.
Thực trạng vi phạm bản quyền, đặc biệt trong lĩnh vực phim ảnh và âm nhạc ngày càng phổ biến. Đại diện Bộ cho biết tần suất vi phạm bản quyền ca khúc trên TikTok trước đây đã giảm nhưng nay có chiều hướng tăng trở lại.
Thứ sáu, người dùng TikTok tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác để bôi nhọ, xúc phạm hoặc bịa đặt, tung tin giả. Hành vi nói trên ngày càng xuất hiện nhiều trên TikTok nhưng mạng xã hội này thiếu những biện pháp quản lý triệt để.
Những vi phạm đang ngày càng làm biến tướng tính chất giải trí đơn thuần của TikTok, tạo ra những tác động tiêu cực đối với tình hình chính trị, xã hội, kinh tế. Xét về các đối tượng người dùng, đặc biệt là giới trẻ, việc sử dụng TikTok khi chưa đủ nhận thức và tư duy phản biện sẽ làm họ dễ bị cuốn theo các tư tưởng, hình mẫu độc hại, từ đó làm lệch lạc nhận thức và lối sống.
Hoa Tran
Bình luận