(TAP) - Bắt đầu từ ngày 01/1/2025, chính phủ Thái Lan cấm doanh nghiệp trong nước nhập khẩu rác thải nhựa để sử dụng làm nguyên liệu trong các nhà máy công nghiệp.
Theo thông tin từ giới truyền thông Thái Lan, Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan chính thức công bố lệnh cấm vào ngày 17/12, đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Theo thông báo, từ đầu năm sau, các công ty tại Thái Lan không được phép nhập khẩu rác thải nhựa. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 01/1, và các nhà nhập khẩu có thời gian đến hết ngày 31/12/2024 để hoàn tất các đơn hàng đang chờ xử lý.
Ảnh minh họa
Bà Arada Fuangtong, người đứng đầu Cục Ngoại thương cho biết việc cấm nhập khẩu rác thải nhựa góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế nhựa tại Thái Lan. Đây là quyết định quan trọng nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời khuyến khích việc sử dụng tài nguyên nhựa hiệu quả hơn. Bà Fuangtong nhấn mạnh: "Lệnh cấm sẽ giúp giảm thiểu lượng phế liệu nhựa chưa được tái chế, đồng thời giảm thiểu các mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng,"
Biện pháp trên được chính phủ Thái Lan thông qua từ nghị quyết ban hành ngày 21/2/2023 với mục tiêu sửa đổi Biểu thuế quan để kiểm soát nhập khẩu các loại phế liệu, rác thải nhựa. Trong năm 2023, việc nhập khẩu rác nhựa tại Thái Lan chỉ giới hạn đối với 14 nhà sản xuất có nhu cầu sử dụng vụn nhựa làm nguyên liệu thô. Đến năm 2024, khối lượng nhập khẩu sẽ giảm một nửa trước khi áp dụng lệnh cấm hoàn toàn vào năm 2025.
Ở Thái Lan, tình trạng ô nhiễm nhựa cũng đang ở mức báo động, trở thành một trong những điểm nóng về rác thải nhựa ở Đông Nam Á với khoảng 2 triệu tấn rác nhựa tạo ra mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/4 số đó được tái chế, phần còn lại chủ yếu bị vứt bỏ hoặc đổ ra môi trường.
Ảnh minh họa
Rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường toàn cầu hiện nay. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa xả vào đại dương gây ô nhiễm biển, đe dọa sự sống hàng nghìn loài động vật biển. Những loài như rùa biển, cá voi, các loài chim biển thường xuyên bị mắc kẹt hoặc nuốt phải rác thải nhựa, dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, nhựa cũng có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Các vi nhựa nhỏ được phát hiện trong nhiều loài động vật biển và thậm chí có cả trong sản phẩm tiêu dùng của con người. Điều này làm gia tăng mối lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của ô nhiễm nhựa đối với sức khỏe con người.
Phương Vi
Bình luận