Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cũng như tiết kiệm thời gian cho người dân khi sử dụng bảo hiểm y tế trong quá trính khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế thông qua CCCD gắn chíp.
Thông tin từ báo Chính phủ (Việt Nam), Bộ Y tế Việt Nam vừa có văn bản số 931/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ sở KCB thuộc các Bộ, ngành chuẩn bị nguồn lực và lên kế hoạch triển khai tổ chức KCB bằng CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc ứng dụng VNEID.
Văn bản của Bộ Y tế Việt Nam về việc thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chip
Đầu tiên, cơ sở KCB cần thông báo công khai đến người dân về việc thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID (công dân đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp). Tiếp theo, phổ biến cho người dân cách sử dụng CCCD gắn chíp trong quá trình KCB. Cụ thể:
Đối với trường hợp người bệnh đã được cấp CCCD gắn chíp khi kiểm tra, đối chiếu thông tin hợp lệ thì cơ sở KCB tiến hành tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành. Đồng thời, thông tin đến người bệnh tiếp tục sử dụng CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID để KCB BHYT vào lần sau.
Tương tự, trường hợp người bệnh có CCCD gắn chíp nhưng khi kiểm tra thông tin không hợp lệ thì cơ sở KCB phải thông báo rõ ràng cho người bệnh về tình trạng thẻ BHYT, sau đó tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (sử dụng thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Thẻ BHYT hiện hành. Ảnh minh họa
Riêng đối với người bệnh chưa được cấp CCCD có gắn chíp, cơ sở KCB vẫn thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (sử dụng thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip này của Bộ Y tế Việt Nam nhằm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030.
Lê Phương (TH)
Bình luận