Trong nhiều tuần qua, số ca mắc thủy đậu tại Hà Nội tăng cao, đặc biệt là ở khối lớp tiểu học và mầm non. Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo để phòng tránh.
Theo CDC Hà Nội, số ca mắc thủy đậu trong 2023 tăng cao so với năm ngoái. Trong 2 tháng đầu 2023, cả nước ghi nhận gần 3200 ca thủy đậu. Chiều ngày 21/3, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế đề ra 5 biện pháp giúp người dân chủ động phòng tránh thủy đậu.
Tiêm vắc xin là phương pháp hiệu quả giúp trẻ em ngăn ngừa thủy đậu (nguồn: vnvc.vn)
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu do nhiễm virus Zoter, các virus sẽ tồn tại trong không khí, sống được vài ngày trên các vẩy thủy đậu. Nó dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp, dịch mũi họng hoặc dịch từ nốt thủy đậu.
Người bệnh sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, đau họng, chảy mũi, đặc biệt trên da sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ ở vùng đầu, mắt rồi lan toàn thân. Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày, gây ngứa tại các nốt thủy đậu, thời gian lây bệnh từ 1 – 2 ngày trước khi nổi ban ngứa.
Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng có thể gây ra các biến chứng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Đối với phụ nữ mang thai khi mắc thủy đậu sẽ gây sẩy thai hoặc dị tật cho thai nhi. Còn đối với trẻ em, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, biến chứng về thần kinh, suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt thậm chí tử vong.
Nhằm chủ động phòng ngừa thủy đậu cho cả trẻ em lẫn người lớn, người dân cần thực hiện một số biện pháp: hạn chế tiếp xúc người bệnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày, sát khuẩn, vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt thường xuyên. Đặc biệt nên tiêm phòng thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi, hơn hết những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây lan cho người xung quanh.
Ngon To
Bình luận