Ngân hàng Techcombank sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê dù Bộ Công an Việt Nam nghiêm cấm?
Bạn đọc

Ngân hàng Techcombank sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê dù Bộ Công an Việt Nam nghiêm cấm?

(TAP) - Gần đây, nghi vấn ngân hàng Techcombank sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê, dù Bộ Công an nghiêm cấm gây bức xúc dư luận. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của ngân hàng trong việc kiểm soát và lựa chọn đối tác, nhất là khi các hành vi đòi nợ thuê gây tổn hại trực tiếp đến người dân và trật tự xã hội.

Trong năm 2023, Bộ Công an Việt Nam đã tiến hành hàng loạt cuộc truy quét và bắt giữ nhiều công ty có hoạt động thu mua nợ nhưng thực chất là đòi nợ thuê dưới hình thức biến tướng với tội danh "Vu khống" và "Cưỡng đoạt tài sản". Những hành vi này đã gây ra sự áp lực, khủng bố tinh thần không chỉ với người vay mà còn với cả những người không liên quan. Dù đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ từ phía chính quyền, tuy nhiên, tình trạng đòi nợ thuê vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau do các ngân hàng còn bán nợ cho các công ty này. Những đối tượng đòi nợ thuê thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi như gọi khủng bố bằng nhiều số điện thoại ảo, dùng tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo giả mạo để lan truyền hình ảnh bôi nhọ và dùng công cụ biến đổi âm thanh khi gọi điện để che giấu danh tín. 

Một trong những trường hợp nổi bật gần đây là Techcombank. Như TAP News đã thông tin, ngày 24/9 vừa qua, hàng loạt số điện thoại 0902248276 (Quảng), 0934692822 (Kiên), 0326106593 (Huy)… liên tục gọi điện, nhắn tin tự xưng bên ngân hàng Techcombank làm phiền gia đình ông H.K, chị T.K (ở Bình Định), chị L.T (tại TP. Hồ Chí Minh) và rất nhiều nạn nhân khác với nội dung khủng bố, đe dọa. Các đối tượng đòi nợ thuê này liên tục sử dụng các chiêu trò như hăm dọa, bôi nhọ và vu khống những người không liên quan để đòi nợ cho Techcombank. Không chỉ khủng bố điện thoại, đối tượng còn lấy hình ảnh nhiều cá nhân, sau đó cắt ghép, chỉnh sửa theo hình thức thô tục, xúc phạm để gửi cho người thân hoặc bạn bè và đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ dù họ không có nghĩa vụ trả nợ. Không dừng lại ở đó, nhóm này còn bịa đặt, vu khống sai sự thật những người không liên quan là đứng đầu đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em, tham ô, nhận hối lộ, loạn luân,... Những hành động này không chỉ gây ra sự xáo trộn đời sống của các cá nhân mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, công việc của họ.

Techcombank vẫn sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê dù Bộ Công an Việt Nam nghiêm cấm?

Techcombank vẫn sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê dù Bộ Công an Việt Nam nghiêm cấm

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất tinh thần, uy tín, danh dự của những nạn nhân?

Vào tháng 11/2023, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an Việt Nam) đã chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thiếu sót trong quản lý hoạt động của các chi nhánh ngân hàng thương mại, công ty tài chính (bộ phận thu hồi nợ) để các đối tượng móc nối, ký kết các hợp đồng mua bán nợ, ủy quyền thu hồi nợ, tư vấn pháp lý, tư vấn tài chính... nhưng thực chất là đòi nợ thuê. Cục cũng đã kiến nghị rà soát và khắc phục các sơ hở trong quy định và quy trình nghiệp vụ liên quan đến thu hồi nợ và xử lý nợ xấu. Cục Cảnh sát Hình sự nhấn mạnh nghiêm cấm ngân hàng thực hiện các hành vi ký kết hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ và đòi nợ thuê, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong bối cảnh các công ty thu mua nợ – thực chất là đòi nợ thuê – bị bắt giữ vì các hành vi đe dọa, vu khống, khủng bố tinh thần và cưỡng đoạt tài sản, Techcombank, một ngân hàng lớn, liệu có đứng ngoài những quy trình bất minh đó? Mặc dù dịch vụ đòi nợ thuê đã bị cấm, việc các ngân hàng vẫn bán nợ cho các công ty thu mua nợ nhưng bản chất hoạt động không khác đòi nợ thuê làm dấy lên nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong quản lý hoạt động thu hồi nợ của Techcombank.

Dư luận đặt ra nghi vấn liệu Techcombank có tuân thủ đúng quy định của Bộ Công an, hay vẫn có sự "lách luật" và “tiếp tay” cho các đối tượng thu hồi nợ? Đáng chú ý, không chỉ người vay nợ mà cả những người không liên quan cũng trở thành nạn nhân của các hành vi khủng bố tinh thần, vu khống, và bôi nhọ danh dự, vậy Techcombank phải chịu trách nhiệm như thế nào trước những tổn thất về tinh thần, danh dự, nhân phẩm và đời sống của người dân? 

Trong bối cảnh Bộ Công an Việt Nam đã ra sức bắt giữ và ngăn chặn tình trạng đòi nợ thuê, đồng thời nghiêm cấm ngân hàng ký hợp đồng biến tướng liên quan đến dịch vụ trên, nghi vấn Techcombank vẫn sử dụng hình thức này để thu hồi nợ đã khiến dư luận dậy sóng. Cần làm rõ trách nhiệm của ngân hàng trong việc tiếp tay, tạo điều kiện cho những đối tượng đòi nợ thuê quấy rối cuộc sống người dân và gây mất trật tự xã hội.

Helena Tran

Bình luận