Ngân hàng Techcombank bị nghi ngờ sử dụng dịch vụ đòi nợ khủng bố?
Bạn đọc

Ngân hàng Techcombank bị nghi ngờ sử dụng dịch vụ đòi nợ khủng bố?

(TAP) - Thời gian gần đây, tình trạng các công ty đòi nợ thuê núp bóng dưới danh nghĩa mua bán nợ đang ngày càng trở nên phức tạp và gây bức xúc trong dư luận. Mới đây, ngân hàng Techcombank bị nghi ngờ dính líu đến các hoạt động này khi nhóm đối tượng khủng bố tinh thần những người không liên quan để đòi khoản nợ của ngân hàng. 

Những kẻ tự xưng là "nhân viên thu hồi nợ" liên tục sử dụng các biện pháp khủng bố tinh thần: gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh, thông tin bịa đặt và xúc phạm, nhằm tạo áp lực và buộc những người không liên quan phải trả nợ. Phương thức đòi nợ kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần và xúc phạm nhân phẩm là vấn đề nhức nhối gây hoang mang dư luận.

Vừa qua, hàng loạt công ty thu hồi nợ, mua bán nợ với thủ đoạn khủng bố đã bị bắt với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản", "vu khống" như Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (trụ sở ở P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM), Công ty cổ phần Mua bán nợ Hưng Thịnh (Hà Nội), Công ty Luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại TP.HCM), Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (TP.HCM),... Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn và càng phức tạp hơn, khiến dư luận vô cùng lo ngại.

Ngân hàng Techcombank bị nghi ngờ sử dụng dịch vụ đòi nợ khủng bố?

Những nạn nhân liên tục nhận các cuộc gọi, tin nhắn quấy rối, khủng bố theo kiểu xã hội đen

Như TAP News đã thông tin, ngày 24/9 vừa qua, hàng loạt số điện thoại 0902248276, 0386610224 liên tục gọi điện, nhắn tin tự xưng bên ngân hàng Techcombank làm phiền gia đình ông H.K, chị T.K (ở Bình Định), chị L.T (tại TP. Hồ Chí Minh) và rất nhiều nạn nhân khác với nội dung khủng bố, đe dọa. Dù đã nhiều lần giải thích bản thân không liên quan đến người vay cũng như khoản vay, nhưng nhóm trên liên tục gọi quấy rầy không chỉ điện thoại cá nhân của người liên quan mà cả đồng nghiệp và số điện thoại cố định, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị. Thậm chí, đối tượng còn lấy hình ảnh nhiều cá nhân, sau đó cắt ghép, chỉnh sửa theo hình thức thô tục, xúc phạm để gửi cho người thân hoặc bạn bè và đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ dù họ không có nghĩa vụ trả nợ. Không dừng lại ở đó, nhóm này còn bịa đặt, vu khống sai sự thật những người không liên quan là đứng đầu đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em, tham ô, nhận hối lộ, loạn luân,...

Ngân hàng Techcombank bị nghi ngờ sử dụng dịch vụ đòi nợ khủng bố?

Ngân hàng Techcombank bị nghi ngờ sử dụng dịch vụ đòi nợ khủng bố?

Hàng loạt hình ảnh gán ghép với nội dung vu khống, bôi nhọ những người không liên quan

Liên hệ với số điện thoại 0326106593 trên hình ảnh, người này xưng tên Huy thuộc Công ty mua bán nợ Đất Bắc và yêu cầu người gọi đợi "sẽ có ngân hàng gọi trao đổi". Suốt quá trình nói chuyện, Huy sử dụng máy biến đổi giọng nói. Sau đó, số điện thoại 0936017590 giới thiệu tên Linh là nhân viên ngân hàng Techcombank gọi đến trao đổi. Khi được hỏi tại sao có thông tin số điện thoại này, Linh cho biết "ngân hàng đưa cho bộ phận nghiệp vụ để tìm kiếm thông tin và cập nhật lên hệ thống" sau đó yêu cầu người vay trả tiền vào số tài khoản Techcombank. "Khi thanh toán, chị thanh toán cho ngân hàng vào số tài khoản thẻ của chị, không thanh toán cho bất kỳ ai hết. Giờ chị làm việc với bất kỳ ai thì lúc xử lý nợ, chị phải xử lý cho bên phía ngân hàng"- người tên Linh này nhấn mạnh.

Ngày 03/10/2024, một đối tượng tự xưng là Trần Kiên từ Công ty Hưng Thịnh cũng tham gia vào việc quấy rối. Mặc dù vậy, Kiên lại liên hệ đến số điện thoại chỉ dùng để trao đổi với người tên Huy - Công ty Đất Bắc và Linh – nhân viên ngân hàng Techcombank. Điều này cho thấy những kẻ quấy nhiễu trên liên tục thay đổi danh tính và công ty đại diện nhưng thực chất là cùng một nhóm. 

Vậy bộ phận nghiệp vụ của Techcombank là các công ty thu hồi nợ như Công ty mua bán nợ Đất Bắc, Công ty Hưng Thịnh? Bên cạnh đó, nhóm đối tượng trên liên tục tạo áp lực để ép người vay chuyển tiền vào tài khoản của Techcombank, điều này làm tăng nghi ngờ liệu Techcombank đang hợp tác hoặc sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê? 

Từ ngày 01/01/2021, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật đầu tư 2020, bổ sung ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Vậy hành vi sử dụng công ty đòi nợ thuê của ngân hàng Techcombank có đúng quy định pháp luật Việt Nam? Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể bị phạt nặng lên đến 160 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lợi ích vật chất bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm. Nếu do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Bên cạnh đó, phương thức đòi nợ của nhóm trên lại mang tính chất xã hội đen, khủng bố, đe dọa tinh thần đối với những người không liên quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, công việc và đời sống của họ. Dù hình thức kinh doanh đòi nợ đã bị cấm, tuy nhiên, rất nhiều công ty mua bán nợ mọc lên với vỏ bọc mới nhưng thủ đoạn tương tự như cũ. Vậy đây có phải hình thức khủng bố đòi nợ thuê "núp bóng" công ty mua bán nợ hay không? 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN, sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, quy định không được phép nhắc nợ, đòi nợ hoặc gửi thông tin về việc thu hồi nợ đến các cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ. Theo Điều 170 Bộ luật Hình sự Việt Nam, hành vi gọi điện, nhắn tin hoặc khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự, bôi nhọ nhân phẩm của người khác có thể bị truy tố về tội vu khống, với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Đồng thời, hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần để ép trả nợ có thể cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản với mức phạt cao nhất lên tới 20 năm tù và phạt tiền đến 100.000.000 đồng. 

Trong bối cảnh luật pháp Việt Nam đã cấm hoàn toàn dịch vụ đòi nợ thuê và các lực lượng chức năng đang nỗ lực vây bắt những cá nhân, tổ chức thu hồi nợ biến tướng kiểu xã hội đen, khủng bố, liệu Techcombank có đang tiếp tay cho hoạt động đòi nợ thuê trá hình? Dư luận và các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ sự việc, bảo vệ quyền lợi cho những người bị ảnh hưởng bởi các hành vi vi phạm này.

Còn tiếp.

Jonathan Tran

Bình luận